Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thiếu niềm tin

Theo vinacorp.vn

(Tài chính) Mức sống của hơn 100 triệu người dân Indonesia ở mức dưới 2 USD/ngày. Chính phủ tăng giá xăng, giá tiêu dùng cũng tăng khiến người dân chật vật.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thiếu niềm tin
Các nhà kinh tế đổ lỗi hiện tượng chi tiêu chậm lại là do lạm phát gia tăng và giá hàng hóa toàn cầu giảm. Nguồn: internet
Zainal, một người dân bán cơm rang bên lề đường thành phố Jakarta - thủ đô của Indonesia - nói rằng người dân tiết kiệm ăn uống khiến thu nhập của anh cũng thấp hẳn.

"Chưa bao giờ tôi kiếm được ít như thế này", Zainal cho biết hiện nay thi thoảng anh mới kiếm được 19 USD/ngày, kém xa so với con số 20 USD/ngày và 25 USD/ngày trong mấy tháng trước. Nhưng Zainal không phải người duy nhất. "Giá cả tăng cao nên tôi đang cố cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm tiền cho con gái lớn học trung học", Ujang Cahyana, một người bán kem tráng miệng thu nhập khoảng 4 USD/ngày nói.

Hơn 100 triệu người dân Indonesia đang sống với mức dưới 2 USD/ngày nên phản ứng của họ cực kỳ nhạy cảm khi giá tiêu dùng tăng.

Chi tiêu tiết kiệm, tăng trưởng giảm tốc

Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Indonesia, người tiêu dùng (NTD) nước này có xu hướng cắt giảm chi tiêu sau khi chính phủ cho tăng giá xăng vốn được trợ cấp vào cuối tháng 6 vừa qua. Điều đó đồng nghĩa với việc động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này sẽ rất bấp bênh và trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong cuộc khảo sát NTD hàng tháng, NHTW Indonesia cho biết chỉ số niềm tin NTD đã sụt giảm từ 117,1 trong tháng 6 xuống còn 108,4 trong tháng 7, "báo hiệu tăng trưởng nhu cầu hộ gia đình đang chậm lại". Chỉ số trên 100 có nghĩa NTD đang lạc quan.

Chỉ số niềm tin trong tháng 7 thể hiện một "mức kinh tế tốt đẹp hơn so với năm 2008", đó là lần cuối cùng chính phủ tăng giá xăng. Tháng 6/2008, chỉ số niềm tin tụt thảm hại xuống mức 73,1 sau khi xăng tăng được vài tháng.

NHTW tiến hành các cuộc khảo sát hàng tháng tại 18 thành phố lớn khắp Indonesia với khoảng 4600 người tham gia trả lời. Theo kết quả, người dân cho rằng áp lực giá cả sẽ giảm nhẹ trong ba tháng tới vì sau tháng lễ Hồi giáo Rumadan kết thúc vào ngày 8/8, nhu cầu tiêu dùng thường giảm đi.

Trong vòng bốn năm rưỡi, từ 5,9% trong tháng 6, lạm phát tăng lên mức 8,61% trong tháng 7 khi cầu tăng trong suốt dịp lễ Ramadan và sau khi chính phủ tăng giá xăng trợ cấp lên khoảng 33% để ngăn các khoản trợ cấp năng lượng tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Cơ quan Thống kê chính thức còn công bố đầu tháng này, tăng trưởng kinh tế Indonesia giảm xuống còn 5,81% so với 6,02% trong quý đầu, khi gia tăng chi tiêu hộ gia đình (vốn đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng kinh tế) đã giảm nhẹ từ 5,12% trong quý trước xuống còn 5,06%.

Nguyên nhân vì đâu?

Các nhà kinh tế đổ lỗi hiện tượng chi tiêu chậm lại cho lạm phát gia tăng và giá hàng hóa toàn cầu giảm mà trong nhiều năm nay đó là những yếu tố giúp những hòn đảo giàu tài nguyên như Sumatra và Kalimantan tạo ra thu nhập.

Đi sâu hơn, nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát gia tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng phình to đến từ những đợt bán tống bán tháo (sell-off) trên thị trường tài chính trong ba phiên vừa qua. Nó đã nhanh chóng thay đổi tâm lý đầu tư giá lên tại một đất nước từng được coi là điểm sáng trong khu vực thị trường mới nổi cách đó không lâu.

Trong tình hình kinh tế đang xấu đi, người nước ngoài cũng rút tiền của mình về những nơi có nền kinh tế vững vàng hơn. Dòng lưu thông tiền tệ này có xu hướng buộc ngân hàng Indonesia tăng lãi suất vào đầu tháng tới, và có thể gây ảnh hưởng xấu lên tiêu thụ.