Ngã rẽ của đồng EUR trước biến động tài chính

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Đồng EUR đã tăng giá 12% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay, bất chấp FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại khi đã 2 lần tăng lãi suất cơ bản trong năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Đồng EUR cũng tăng so với các ngoại tệ chủ chốt khác trong hơn 9 tháng qua, cụ thể tăng 8% so với bảng Anh, 7,4% so với yên Nhật, tăng 6,1% so với đô la Úc và tăng gần 5% so với đô la Canada. 

ECB phát tín hiệu nới lỏng tiền tệ

Ngoài nguyên nhân đến từ việc các chỉ số kinh tế của các quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, thì khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sớm thắt chặt chính sách trở lại là yếu tố hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của đồng EUR.

Nền kinh tế của khu vực sử dụng EUR đã duy trì đà tăng trưởng 17 quý liên tiếp, chuỗi tăng trưởng ấn tượng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007- 2008 nên càng thêm cải thiện sức mạnh đồng EUR, tuy nhiên vấn đề tăng trưởng tiền lương vẫn rất chậm và qua đó khiến lạm phát khó chạm tới mức mục tiêu gần 2%. Vì vậy, thời gian qua giới đầu tư cho rằng ngân hàng này khó có thể sớm kết thúc chính sách nới lỏng tiền tệ.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng việc FED tăng lãi suất đã tạo áp lực đối với ECB trong việc thay đổi chính sách tiền tệ của mình. Hiện nay mỗi tháng ECB vẫn mua vào 60 tỷ EUR trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo kế hoạch, chương trình mua trái phiếu có trị giá 2.300 tỷ EUR sẽ kết thúc vào tháng 12/2017 và hiện ECB đang chịu sức ép về việc đưa ra quyết định đối với chương trình này. Biên bản cuộc họp hôm 5/10 của ECB cho biết với đà phục hồi như hiện nay của nền kinh tế, các thành viên tỏ ra tự tin hơn về khả năng thu hẹp chương trình mua trái phiếu quy mô lớn từ đầu năm tới.

Theo đó, các nhà phân tích dự kiến ECB sẽ giảm 1/3 quy mô của chương trình mua trái phiếu xuống 40 tỷ EUR/tháng và sẽ gia hạn chương trình này thêm từ 6 đến 9 tháng.

Lực cản từ bất ổn chính trị

Dù vậy, đà đi lên của đồng EUR những ngày qua phần nào bị chững lại khi chịu áp lực bởi tình hình chính trị ngày càng tồi tệ ở Tây Ban Nha sau cuộc trưng cầu tại Catalonia và sau cuộc bầu cử tại Đức. Mặc dù thủ tướng Angela Merkel đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này và tiếp tục là thủ tướng cho nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp, song muốn hội đủ số 355 ghế để giành quyền lập chính phủ, bà Merkel sẽ phải liên minh với một hay nhiều đảng nhỏ khác.

Còn tại Tây Ban Nha, chính quyền khu vực Catalonia đã thiết lập một cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền độc lập của Catalonia khỏi Tây Ban Nha hôm 1/10 vừa qua. Chính phủ Tây Ban Nha phản đối vì Hiến pháp Tây Ban Nha không cho phép bỏ phiếu về sự độc lập của bất kỳ khu vực nào tại Tây Ban Nha, do đó đã dẫn đến những xô xát lớn trong ngày trưng cầu dân ý.

Tây Ban Nha hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu sau Đức, Pháp và Ý. Nếu Catanonia tách khỏi Tây Ban Nha thì nền kinh tế Tây Ban Nha có thể suy yếu đáng kể do Catalonia đóng góp dến 1/5 tổng sản phẩm quốc nội cho quốc gia này.

Hệ quả là đồng EUR sau đó đã chịu áp lực đi xuống trở lại từ những mức cao đã đạt được trước đó so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể, tỷ giá EUR/ USD tuần qua chứng kiến sự sụt giảm gần 1%, EUR/JPY giảm 0,7%. Như vậy, rõ ràng đồng EUR đang đứng trước ngã rẽ mới với các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực xen kẽ.