Những nguy cơ đe doạ nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2018

Theo Quỳnh Mai/Trí thức trẻ

Đầu năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bước vào thời kì ba năm “chiến đấu quan trọng”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nợ trong nước, nghèo đói và ô nhiễm môi trường là ba vấn đề được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ưu tiên giải quyết hàng đầu, xếp trên cả rủi ro lãi suất tăng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Mặc dù đã có khởi điểm khá vững chắc với tỉ lệ tăng trưởng năm 2017 tăng lần đầu tiên kể từ năm 2010, kinh tế Trung Quốc được dự đoán có thể sẽ chậm lại trong năm 2018. Do đó, chính phủ của ông Tập Cận Bình đang phát tín hiệu cho thấy sắp tới nền kinh tế Trung Quốc sẽ vận hành theo hướng khiêm tốn hơn nếu có thể phần nào khắc phục được rủi ro hàng đầu là những nguy cơ từ hệ thống tài chính.

Rajiv Biswas, trưởng nhóm kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, Singapore, cho biết: “Tình trạng mất cân bằng kinh tế đáng kể tiếp tục đe doạ suy giảm triển vọng kinh tế năm 2018. Những rủi ro của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là những rủi ro chủ chốt đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018, trong đó khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt nhạy cảm trước các tác động của suy thoái.”

Những tác động này vẫn chưa cụ thể, và trên thực tế, hoạt động kinh tế đang chững lại. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt mức 51,6 điểm vào tháng 12 là tín hiệu cho thấy các điều kiện đang dần cải thiện. Bên cạnh đó, lượng đơn đặt hàng sản xuất xuất khẩu mới cũng đạt mức cao nhất trong sáu tháng.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Freya Beamish, trưởng nhóm kinh tế châu Á tại Pantheon Macroeconomics Ltd, Newcastle, Anh, những con số này có lẽ đã khuếch đại đà phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Câu chuyện lợi nhuận dường như đang đi theo chiều hướng giảm bởi giá đầu vào tiếp tục tăng dù chậm.

Các nhà dự đoán dự đoán rằng trong năm nay tốc độ mở rộng sẽ giảm xuống mức 6,5% - tốc độ thấp nhất kể từ năm 1990. Sau đây là một số lĩnh vực được dự đoán có tiềm năng cản trở tăng trưởng kinh tế hoặc gia tăng bất ổn thị trường.

Các rủi ro tài chính

Mới đây, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cam kết sẽ ngăn chặn và kiểm soát rủi ro tài chính, và coi đây là một thách thức then chốt trong ba năm sắp tới. Khi hệ thống tài chính cởi mở hơn với các doanh nghiệp nước ngoài, tỉ suất nợ so với GDP có khả năng đạt mức 320% vào năm 2022 sẽ là nguy cơ chính.

Pauline Loong, giám đốc điều hành tại doanh nghiệp nghiên cứu Asia-Analytica, Hồng Kông, cho biết ngay cả truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh không hi vọng có thể giải quyết trong vòng ba năm. Sự bất ổn của nền tài chính là vấn đề cốt lõi. Nếu có thể giải quyết, áp lực từ dòng vốn tháo chạy hay các điểm yếu của các ngân hàng nhỏ và những tác động của quá trình giải chấp (deleveraging) sẽ giảm xuống.

Suy thoái trong ngành xây dựng

Theo Frederic Neumann, đồng trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc, Hồng Kông, động thái thắt chặt các quy định tài chính và môi trường để giảm nợ có thể gây hỗn loạn trong năm 2018, cản trở sự tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng.

Neumann cho biết suy thoái mạnh hơn dự đoán trong lĩnh vực xây dựng có thể tạo gánh nặng cho hoạt động mở rộng với các khu vực mới nổi vẫn chưa đủ mạnh mẽ để tạo đệm đỡ cho mình. Đường đứt gãy lớn nhất xuyên suốt nền kinh tế Trung Quốc là khu vực xây dựng.

Xáo trộn thương mại

Theo David Loevinger, một cựu chuyên gia Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, chiến lược an ninh quốc gia mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump là bước đi đầu tiên trên con đường theo chủ nghĩa bảo hộ.

Theo ông, trong năm 2018 Mỹ sẽ giảm mạnh nhập khẩu. Do chủ nghĩa dân tuý dân tộc tại Trung Quốc cũng vô cùng mạnh mẽ, nên các chính trị gia Trung Quốc nhất định sẽ trả đũa.”

Fed, Thuế

Theo George Magnus, một cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, và cũng là cựu cố vấn tại UBS Group AG, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tăng lãi suất cao hơn so với dự đoán của thị trường và cắt giảm thuế dựa trên mức tăng trưởng 3,2%, thì đồng USD có thể đón một luồng gió mới và một lần nữa gia tăng áp lực cho đồng nhân dân tệ và dòng vốn.

Christopher Balding, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh HSBC, Đại học Peking, Thâm Quyến, nhận định nếu Fed bắt đầu “leo dốc” và đồng đô tăng mạnh, đó sẽ là 1 rắc rối lớn.

Triều Tiên

Theo Zhu Ning, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nếu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục leo thang, thì tới một mức nhất định, sẽ không chỉ có nền kinh tế Trung Quốc, mà toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với những hệ quả sâu rộng.