Quan hệ Mỹ - Trung sẽ thay đổi?

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Căng thẳng Washington - Bắc Kinh ngày càng nóng lên sau khi Trung Quốc hủy đàm phán thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Washington tăng cường các biện pháp cứng rắn trong cuộc chiến thuế quan giữa hai nước. Căng thẳng thương mại giữa hai bên làm dấy lên lo ngại, quan hệ “hợp tác trong đối đầu” mà Mỹ - Trung duy trì suốt nhiều thập kỷ qua có thể thay đổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không thể đối thoại

Ngày 21/9, Trung Quốc đã hủy kế hoạch cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc và phái đoàn cấp trung đến Washington tuần này để đàm phán thương mại với Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, Washington cần sửa sai cách xử lý trong cuộc chiến thuế quan đang diễn ra giữa hai bên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, sự tin tưởng và tôn trọng là yếu tố then chốt trong giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, những động thái gần đây của Mỹ cho thấy sự thiếu chân thành và thiện chí trong đàm phán.

Quyết định trên của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi vòng áp thuế nhập khẩu mới nhất của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 24/9. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu 10% lên số hàng hóa Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ USD.

Thuế suất này sẽ được nâng lên 25% kể từ ngày 1/1/2019. Ông Trump cảnh báo, sẽ áp thuế bổ sung lên tất cả hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc, với trị giá 267 tỷ USD, nhằm gây sức ép lên nước này trong các cuộc đàm phán thương mại. 

Nhà Trắng còn phát tín hiệu, sẵn sàng chấp nhận những tổn thất kinh tế ngắn hạn, nhằm buộc Trung Quốc phải điều chỉnh các chính sách thương mại, hỗ trợ phát triển công nghệ cao và chuyển giao công nghệ, vốn bị Washington chỉ trích là “những hành xử thương mại thiếu công bằng”.

Tại cuộc mít-tinh ở Springfield, bang Missouri, ngày 21/9, Tổng thống Trump tuyên bố, Washington có nhiều “đạn” hơn Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Nếu Trung Quốc đáp trả, Mỹ sẽ quay lại với những biện pháp mạnh tay hơn.

Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, bầu không khí hiện tại giữa Washington - Bắc Kinh “quá nóng” để hai bên có thể đàm phán hiệu quả. Chuyên gia này cũng nhận định, không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán sẽ được nối lại khi cả hai bên đều không chịu xuống nước.

Quan hệ lao dốc

Bên cạnh lệnh áp thuế mới lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, việc Mỹ mới đây áp lệnh trừng phạt lên Cục Phát triển Thiết bị (EDD), thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan tới các thương vụ mua máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa S-400 của cơ quan này với Nga, cũng được cho là một phần lý do để Bắc Kinh hủy đàm phán thương mại với Washington.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 22/9 thông báo, Bắc Kinh đã hủy đàm phán quân sự với Mỹ và triệu hồi Tư lệnh Hải quân Shen Jinlong, người đang tham gia Hội thảo chuyên đề Các cường quốc hải dương quốc tế lần thứ 23 tại Mỹ và dự kiến có cuộc làm việc với các đồng nghiệp Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad đến, để trao công hàm phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến hoạt động mua sắm quốc phòng của Trung Quốc. Mặc dù Washington khẳng định, lệnh trừng phạt trên liên quan đến Nga, thay vì Trung Quốc, song đây vẫn được coi là tín hiệu của sự xuống dốc không phanh trong quan hệ song phương.

Giới chức Mỹ cũng thừa nhận, quan hệ Mỹ - Trung đang rơi xuống mức thấp nhất nhiều năm qua. Li Xianyang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc gia về chiến lược quốc tế của Trung Quốc cho rằng, bất luận căng thẳng thương mại hiện nay sẽ kết thúc như thế nào, quan hệ Mỹ - Trung sẽ thay đổi.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc He Yafei nhận định, quan hệ “hợp tác trong đối đầu” mà Trung Quốc và Mỹ duy trì suốt 4 thập kỷ qua có thể chuyển sang thế “đối thủ cạnh tranh”.

Nhiều năm qua, hai nước nhìn chung duy trì quan hệ ở mức ngoại giao và hợp tác, bất kể sự khác biệt về hệ thống chính trị, lợi ích chiến lược hay truyền thống văn hóa.

Chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc xen kẽ giữa hợp tác và kiềm chế, trong bối cảnh các thế hệ lãnh đạo Nhà Trắng hy vọng, hợp tác kinh tế giữa hai nước có thể dẫn dắt Trung Quốc vào cơ chế thị trường tự do, cũng như tác động nhằm thay đổi hệ thống chính trị nước này theo hướng Mỹ mong muốn.

Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, một Trung Quốc yếu ớt không thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc mạnh mẽ và hung hăng. Trong nhiều năm qua, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ cũng đồng thuận về việc cần tích cực hợp tác với Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự đồng thuận này đã chuyển sang hướng “phải cạnh tranh cứng rắn hơn”, do lo ngại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Trump xác định, Trung Quốc là nguy cơ dài hạn lớn nhất đối với các lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Mỹ.

Gene Ma, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính quốc tế của Trung Quốc cho rằng, phản ứng của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ đến nay còn tương đối kiềm chế. Chính sách của Trung Quốc là giải quyết mâu thuẫn trên phương diện thương mại, thay vì địa chính trị. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu Mỹ tiếp tục leo thang cuộc chiến thuế quan.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở tình thế “đối thủ cạnh tranh” sẽ không chỉ gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu, mà còn không mang lại lợi lộc gì cho an ninh và hòa bình thế giới.