RCEP: Câu trả lời cho thương mại toàn cầu?

Theo daibieunhandan.vn

Thương mại toàn cầu đang cần một sức mạnh để chống lại “thủy triều dâng cao” của chủ nghĩa bảo hộ và chống toàn cầu hóa. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) liệu có phải là lựa chọn tốt nhất?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đòi hỏi thực tế

Dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đóng vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Sau khi TPP được ký kết vào tháng 2/2015, ông Obama đã nói: “Chúng ta phải bảo đảm Mỹ, chứ không phải bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc, viết ra các quy tắc cho kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI này”.

Nhưng số phận của TPP đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Người kế nhiệm ông Obama, tân Tổng thống Donald Trump, trong tuần đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi TPP. Các đối tác thương mại khác trong TPP đang cố gắng tìm ra những lựa chọn để bảo đảm hiệp định này sẽ vẫn trở thành hiện thực dù không có Mỹ.

Theo quy định của TPP, ít nhất 6 trong số 12 nước tham gia ký kết TPP, chiếm ít nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước tham gia TPP, phải phê chuẩn thỏa thuận này để nó có hiệu lực. Điều này có nghĩa rằng TPP không có hiệu lực nếu Mỹ hay Nhật Bản không phê chuẩn.

Tháng 3 vừa qua, các quan chức cấp cao từ các nước ngoài TPP gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Colombia đã tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Chile. Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái này sẽ đem lại hy vọng cho Hiệp định thương mại tự do châu Á -Thái Bình Dương (FTAAP).

Song bất ổn toàn cầu gia tăng có thể làm tiêu tan hy vọng này, vì tính phức tạp của FTAAP. Do đó, có lẽ hiệp định RCEP sẽ là lựa chọn tốt nhất cho một FTA khổng lồ đầy tham vọng.

Lời giải khả thi

Với việc TPP đang có nguy cơ sụp đổ, RCEP có thể nhanh chóng trở thành thỏa thuận thương mại quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng để thành công, RCEP phải chứng minh nó là một thỏa thuận có thể liên kết thành công lợi ích của các nước đang ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau.

TPP trải dài Thái Bình Dương từ Mỹ đến Australia, Nhật Bản và Việt Nam, còn RCEP chỉ xây dựng trên những thỏa thuận thương mại đang có giữa 10 nước ASEAN với 6 nước láng giềng gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Trong khi mục tiêu hàng đầu của TPP là đưa ra những nguyên tắc thương mại “chất lượng cao” trong các lĩnh vực như đầu tư hay sở hữu trí tuệ, một số quan chức Trung Quốc đã không giấu sự hân hoan khi ông Trump tuyên bố từ bỏ TPP.

Theo giới chuyên gia, sự linh hoạt và thay đổi tích cực của RCEP là những gì châu Á cần vào lúc này. Đúng là TPP có tiêu chuẩn cao hơn, phủ sóng rộng hơn và tham vọng hơn RCEP, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới không còn đủ khả năng thúc đẩy toàn cầu hóa. Việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), cùng với những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống Pháp thuộc đảng cực hữu Marine Le Pen thể hiện dường như là mối đe dọa cho tiến trình toàn cầu hóa.

Không giống như TPP, RCEP thừa nhận thực tế nhu cầu khác nhau giữa các quốc gia thành viên, cung cấp một gói đặc biệt cho phép 16 quốc gia thành viên có sự linh hoạt trong việc mở cửa nền kinh tế của họ. Cách tiếp cận “Con đường ASEAN” trong RCEP đã chứng tỏ nó là cơ chế xây dựng sự đồng thuận tốt nhất ở châu Á. Thậm chí, nếu TPP thiết lập một tiêu chuẩn tầm nhìn dài hạn, thì nó có thể không khả thi vào lúc này.

Thêm vào đó, RCEP ít mang tính chính trị và vai trò trung tâm ASEAN được hoan nghênh. Trong khi TPP thường được coi là một công cụ để kiềm chế Trung Quốc trong chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ, RCEP được xem như mở rộng mô hình FTA ASEAN + 1 trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Tất cả các cường quốc khu vực bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ cảm thấy thoải mái với vai trò trung tâm của ASEAN, ít nhất là trong hội nhập kinh tế khu vực. Hơn nữa, ASEAN cũng đã thiết lập FTA với tất cả sáu nước khác và kinh nghiệm của nhóm này trong đàm phán thương mại sẽ giúp đẩy nhanh việc kết thúc đàm phán RCEP.

Các nước thành viên RCEP có thể sẽ thúc đẩy nhiều cam kết và nghĩa vụ vốn đã đạt được thỏa thuận trong TPP. Nếu các tiêu chuẩn của TPP được đưa vào RCEP, các nước thành viên RCEP không thuộc TPP sẽ có quyền cân nhắc và quyết định.

Mỗi quốc gia phải phân tích và quyết định liệu họ có sẵn sàng chịu sự ràng buộc của các quy định và phải có những điều chỉnh mới hay không. Các hiệp định thương mại phải đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên tham gia, và các nhà đàm phán có nhiệm vụ tìm ra một sự đồng thuận. 

RCEP rõ ràng không phải là thỏa thuận dễ dàng để đạt đồng thuận, nhưng thế giới rất cần đẩy nhanh tiến trình toàn cầu hóa, và RCEP có lẽ là lựa chọn tốt nhất vào lúc này.