Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chậm chạp

Theo kinhtevadubao.com.vn

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục dưới mức tiềm năng trong năm nay theo như một báo cáo mới công bố của Liên Hợp Quốc (UN). Báo cáo này nói thêm rằng, tạo việc làm là yếu tố thiết yếu để kích thích phụ hồi kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chậm chạp
Nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm 2013. Nguồn: internet

Báo cáo cập nhật Thực trạng và Triển vọng kinh tế thế giới giữa 2013 cho biết, kể từ cuối 2012, nhiều sáng kiến chính sách mới ở những nền kinh tế phát triển chủ đạo đã làm giảm rủi ro hệ thống và hỗ trợ ổn định niềm tin người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhưng cải thiện trong tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế.

Phó Tổng thư ký của UN phụ trách phát triển kinh tế Shamshad Akhtar cho biết: “Ưu tiên chính của các nhà hoạch định trên toàn thế giới là hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu cân bằng và bền vững, tập trung vào kích thích tạo viện làm”.

Phát biểu trong buổi ra mắt bản cập nhật giữa năm, bà Akhtar lưu ý rằng suy thoái toàn cầu kéo dài đã được thay thế bằng “sự cải thiện có thể đo lường được”, chẳng hạn như Hoa Kỳ đang có đà tăng trường và Nhật Bản tăng trưởng 3,5% trong quý I/2013.

Bà nói thêm: “Các nền kinh tế đang phát triển đang tăng trương ở mức thấp hơn tiềm năng nhưng tỷ lệ tăng trưởng khá. Các mô hình tăng trưởng đa mục tiêu có khả năng tiếp tục diễn ra và đẩy triển vọng phần còn lại của năm 2013 và 2014”.

Khi Cơ quan Kinh tế và Xã hội của UN xuất bản báo cáo Thực trạng và triển vọng Kinh tế Thế giới 2013 tháng 12 năm ngoài, họ lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã suy giảm đáng kể trong suốt năm 2012 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục trạng thái này trong 2 năm sau đó.

Báo cáo cho biết, nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 2,4% trong năm 2013 và 3,2% trong năm 2014. Với những chính sách và xu hướng tăng trưởng hiện có, báo cáo nói thêm rằng có thể mất ít nhất 5 năm nữa để Châu Âu và Mỹ bù đắp cho số việc làm bị mất gây ra bởi Đại suy thoái của năm 2008-2009.

Theo như bản cập nhật lần này, tăng trưởng toàn cầu đã được điều chỉnh giảm một chút so với dự báo được trình bào vào tháng 12. Tăng trưởng tổng sản phẩm toàn cầu hiện nay được ước tính ở mức 2,3% trong năm 2013, cùng mức với năm 2012, trước khi tăng lên mức 3,1% vào năm 2014, với sự hỗ trợ bởi một sức bật kỳ vọng trong hoạt động ở Mỹ.

Báo cáo cảnh báo rằng rủi ro vẫn đang nghiêng về xu hướng giảm và có khả năng nghiêm trọng hơn, một lần nữa, kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi yếu ớt. Rủi ro trong ngắn hạn gắn với thực trạng khu vực đồng Euro, điều chỉnh tài chính ở Mỹ và sự sụt giảm mạnh ở các nước đang phát triển lớn đã giảm bớt, nhưng chưa mất hẳn.

Thêm vào đó, một số rủi ro trong trung hạn đã xuất hiện trong sự ổn định tài chính toàn cầu , bao gồm những hiệu ứng trái chiều tiềm ẩn của “các giải pháp tiền tệ bất thường” ở những nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Nhật Bản và Mỹ.

Báo cáo chỉ ra những nhược điểm ở các nền kinh tế phát triển, những quốc gia tiếp tục phải đối mặt với rủi ro và sự không chắc chắn to lớn. Tại khu vực đồng Euro, rủi ro đổ vỡ trong ngắn hạn đã giảm đáng kể, nhưng thực tế nền kinh tế vẫn tiếp tục “thảm hại”.

Ở Mỹ, song hành với sự phục hồi của ngành công nghiệp nhà ở, nỗ lực tránh rơi cảnh nằm trên trên bờ vực tài chính và tiền tệ mở rộng nới lỏng, ở mức độ nào đó, đã cải thiện triển vọng tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế được dự báo tăng chậm tới mức 1,9% năm 2013, trước khi bật lên 2,6 vào 2014.

Ở Nhật Bản, các nhà làm chính sách đã thực hiện "các biện pháp nới lỏng đậm" trong một nỗ lực để hồi sinh nền kinh tế khỏi sự kìm kẹp của giảm phát, nhưng các kết quả của các chính sách này vẫn "không chắc chắn". Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) được dự báo ở mức 1,3% trong năm 2013 và 1,6 phần trăm trong năm 2014

Rất nhiều nước đang phát triển lớn, kể cả Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đã chứng kiến sự tăng trưởng GDP suy giảm trong 2 năm qua.

Mặc dù báo cáo dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ ở mức 7,8% trong năm 2013 và 7,7% trong năm 2014, nhưng chỉ cần một mức giảm bất ngờ xuống 5% sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc đang phát triển dựa nhiều vào xuất khẩu

Theo báo cáo, tình hình việc làm vẫn là thách thức chính sách chính ở nhiều nền kinh tế, với lưu ý là thất nghiệp ở khu vực châu Âu đã cao kỷ lục và được dự báo đạt mức trung bình 12,8% vào năm 2014.

Thất nghiệp ở Mỹ đã giảm, nhưng vẫn cao so với những tiêu chuẩn trong quá khứ, và sự giảm này phần nào phản ảnh một sự sụt giảm mạnh số người ra nhập lực lượng lao động. Một vài cải thiện khác được kỳ vọng trong giai đoạn triển vọng này, với dự báo thất nghiệp ở Mỹ sẽ ở mức 7% vào năm 2014.

Ở hầu hết các khu vực đang phát triển, thị trường lao động không bị ảnh hưởng lớn do nhu cầu yếu. Ở nhiều vùng tại Đông Á và Nam Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức trước cuộc khủng hoảng tài chính. Ngược lại, mặc dù  có tăng trưởng tương đối mạnh trong những năm gần đây, việc làm tiếp tục là một vấn đề quan trọng ở nhiều nước châu Phi.

Bà Akhtar lưu ý: “Một thời kỳ dài tăng trưởng thấp và cảnh thắt lưng buộc bụng về tài chính trong nhiều nền kinh tế đã bổ sung thêm vào khoảng 4 triệu người vào hàng ngũ của những người thất nghiệp. Các quốc gia nên lập một kế hoạch đáng tin cậy để củng cố trạng thái tài chính ứng phó với những hoàn cảnh cụ thể đặc biệt lưu ý tới các bước đi và trình tự thực hiện, cũng như, cũng như hỗ trợ tạo việc làm và bảo trợ xã hội một cách có hiệu quả cao".