Thấy gì từ Hội thảo quốc tế lần thứ 4 về Biển Đông

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hội thảo thường niên lần thứ tư về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức đã bế mạc tại thủ đô Washington của Mỹ sau hai ngày họp, quy tụ các học giả hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tại đây, các học giả đã chỉ ra âm mưu lâu dài của Trung Quốc và đề xuất các bước đi đối phó của Mỹ. Đây là Hội thảo có tính học thuật nhưng qua đó có thể thấy được lập trường và chính sách của các nước liên quan.

Với chủ đề Các xu hướng hiện tại ở Biển Đông và chính sách của Mỹ, các học giả đã đi sâu phân tích các diễn biến gần đây trên Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vụ kiện pháp lý mà Philippines đang tiến hành chống Trung Quốc tại Tòa án Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS). Các học giả khi nhận định về tình hình Biển Đông đều cho rằng căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây xuất phát từ những hành động khiêu khích trắng trợn và đơn phương từ phía Trung Quốc.

Phát biểu tại hội thảo, Hạ nghị sỹ Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, cho rằng chiến lược ngoại giao của Mỹ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đến nay không hiệu quả và giờ là thời điểm phải tính toán lại. Ông cáo buộc Trung Quốc gây hấn, tham lam, trắng trợn trong nỗ lực kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông. Ông Mike Rogers nói: Điều mà Trung Quốc đang cố gắng thực hiện là thay đổi hiện trạng trong khu vực, từ bãi đá này sang bãi đá khác, từ đảo này sang đảo khác. Họ đang cố gắng làm thay đổi động lực trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Trong vài tháng qua, họ đã dịch chuyển một giàn khoan dầu cỡ như sân bóng về gần quần đảo Hoàng Sa trong vùng biển của Việt Nam, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa...

Theo ông Mike Rogers, bất kỳ quân đội nào trên thế giới sử dụng sức mạnh của mình để bắt nạt, đe dọa và gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới đều đi ngược lại lợi ích tốt nhất của Mỹ và không phải là đồng minh, bạn bè của Mỹ. Ông Mike Rogers cho rằng, đã tới lúc nên tỏ ra ít nể nang hơn với các quan chức Trung Quốc và sòng phẳng, quyết liệt hơn trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Không ai muốn đối đầu, không ai tìm kiếm xung đột, nhưng chúng ta phải có hành động ngăn chặn Trung Quốc - ông nhấn mạnh.

Giải thích về những động thái gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông, học giả Christopher Johnson, chuyên gia CSIS về Trung Quốc nhận định: đây là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng chứ không đơn thuần là một loạt chiến thuật nhỏ hay là sự phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm Đông Á của Obama như nhiều học giả trước đó nhận định… Chúng ta phải hiểu đây là một chiến lược lâu dài và mỗi giai đoạn trong chiến lược lâu dài đó được kết nối với nhau để thực hiện toàn bộ âm mưu của Trung Quốc. Theo Johnson, lãnh đạo mới của Trung Quốc có cái nhìn về vai trò của Trung Quốc trên trường quốc tế khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông là người trực tiếp đưa ra các quyết định và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cả trong nước lẫn quốc tế, do vậy, rất khó dự đoán tương lai sắp tới.

Dường như Trung Quốc đang muốn duy trì một mức độ căng thẳng nhất định cả trong nước và ở khu vực để bảo đảm thành công cho những mục tiêu mà ông ta tính toán. Theo Christopher Johnson, Trung Quốc sẽ tiếp tục phớt lờ quan ngại của các nước láng giềng ở Biển Đông và có thể sử dụng sức mạnh kinh tế làm đòn bẩy trong quan hệ với các nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách ngăn chặn sự đồng thuận của ASEAN thông qua sự phụ thuộc về kinh tế.

Về vai trò của Mỹ, Tiến sỹ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, đã đưa ra các đề xuất làm thay đổi thái độ gây hấn của Trung Quốc trong khu vực. Thứ nhất, Mỹ cần tăng cường sự hiện diện trong khu vực thông qua các hoạt động tập trận chung, cho phép tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng trong khu vực, giúp đỡ xây dựng năng lực tự vệ cho các nước trong khu vực, nhất là lực lượng tuần duyên, hỗ trợ các hoạt động hợp tác trong khối ASEAN, chia sẻ thông tin tình báo. Thứ hai, Mỹ nên xem xét việc bãi bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì đây sẽ là một động thái mang tính biểu tượng, có ý nghĩa như một thông điệp cảnh báo gửi đến Trung Quốc.

Về phần mình, Tiến sỹ Alan Dupont thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia cho rằng, sự can thiệp của Mỹ và khu vực nên tập trung vào việc giúp đỡ các nước đồng minh tăng khả năng phòng vệ thay vì đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Ông gọi đây là cách dẫn dắt từ phía sau.

Trong khi đó, Tổng lãnh sự Philippines tại San Francisco Henry Bensurto khẳng định, việc Philippines đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế là hợp lý vì nó không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ mà chỉ là tranh chấp lãnh hải. Đơn khởi kiện chỉ yêu cầu tòa xác định những yếu tố đi kèm trong các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trong vùng lưỡi bò.

Trước đó, ngày 10/7, với toàn bộ số phiếu ủng hộ, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết S.Res.412 đích danh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng ra khỏi vị trí hiện nay ở Biển Đông, trả lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014. Các nhà bình luận cho rằng, sự kiện này rất quan trọng vì Quốc hội Mỹ là nơi hoạch định chính sách. Nghị quyết được thông qua ở Thượng viện thể hiện chính sách của Mỹ đối với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981. Nghị quyết là thông điệp cho thấy cộng đồng quốc tế đang gây áp lực với Trung Quốc và đứng về phía các nước là nạn nhân của Trung Quốc.