Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Kỳ vọng và hoài nghi

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Mọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang đổ dồn về Singapore, nơi chuẩn bị diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên. Sự kiện này không chỉ hướng đến giải quyết vấn đề hạt nhân mà còn được kỳ vọng sẽ đưa đến tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào lần gặp đầu tiên này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kỳ vọng dè dặt

Ngày 5/6, Tổng thống Donald Trump nhận được hàng loạt yêu cầu của các thượng nghị sĩ phe Dân chủ liên quan đến thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong đó có yêu cầu chỉ tiến tới thỏa thuận khi Triều Tiên chấp nhận từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, bị kiểm tra vô thời hạn ở mọi khu vực trong nước.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Kim Jong-un kiên quyết từ chối yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn? Điều này có thể xảy ra, bởi với ông Kim, vũ khí hạt nhân là sự cam kết chắc chắn nhất đối với quyền lực và chính quyền của mình.

Sau thời điểm này, Tổng thống Donald Trump dường như không còn quá kỳ vọng vào kết quả của thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ông chuyển sang gọi cuộc hội đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “sự kiện để tìm hiểu” và là “một quá trình” bắt đầu từ việc xây dựng các mối quan hệ.

Khi đó, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ hướng sự chú ý sang yêu cầu khác đủ để ông gọi đó là “một thắng lợi”. Có thể ông Kim sẽ chấp nhận một số giới hạn mới đối với chương trình vũ khí (trong khi vẫn giữ số vũ khí hiện tại) hoặc cũng có thể, như Tổng thống Trump đã bàn bạc tuần trước, Seoul và Bình Nhưỡng có thể cùng nhau đưa ra tuyên bố “lịch sử” về việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Tiền đề chấm dứt chiến tranh

“Chúng tôi hoàn toàn có thể ký một thỏa thuận và chúng tôi đều đang trông đợi điều đó. Bình thường hóa quan hệ là một mục tiêu mà tôi đang theo đuổi. Tôi hy vọng sẽ làm như vậy một khi mọi thứ đã hoàn tất”, ông Donald Trump nói với các phóng viên về khả năng đưa ra tuyên bố chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài suốt 65 năm qua.

Dù ông có thể đang “quảng bá” cuộc gặp thượng đỉnh như một thành công trong chính sách ngoại giao của mình, song giới phân tích cho rằng, điều đó có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ đem lại cho Triều Tiên cái mà họ đang tìm kiếm hàng chục năm qua.

Kỳ vọng về tương lai hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên càng có cơ sở khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh ba bên với Mỹ và Triều Tiên ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên là thời khắc mang tính lịch sử, có thể chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Song để có thể đi tới thành công, thì sự tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên hết sức quan trọng trong quá trình đàm phán.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tại cuộc gặp hôm nay, ngoài chuyện ông Donald Trump và ông Kim Jong-un bắt tay thì việc đạt được bước tiến đáng kể nào đều không mấy khả thi. Tuy nhiên, bản thân việc họ gặp, đối diện và nói chuyện với nhau đã là thành công ngoài mong đợi.