Tình hình Biển Đông diễn biến thế nào sau phán quyết của PCA?

Minh Anh (Tổng hợp)

Những tưởng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) giáng “một đòn” mạnh vào Trung Quốc, nhưng nước này thậm chí còn đẩy mạnh các hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông bất chấp phản ứng của dư luận và cộng đồng quốc tế.

Tàu Trung Quốc huấn luyện tại gần đảo Hải Nam ở Biển Đông. Nguồn: AP
Tàu Trung Quốc huấn luyện tại gần đảo Hải Nam ở Biển Đông. Nguồn: AP

“Phớt lờ” phán quyết, gia tăng căng thẳng

Bất chấp phán quyết của PCA và dư luận cộng đồng quốc tế về vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo nhân tạo trái phép ở Trường Sa, đẩy tình hình trên Biển Đông ngày càng trở lên phức tạp.

Mặc dù, Đô đốc John M. Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ đã tới Trung Quốc để thảo luận các vấn đề liên quan tới phán quyết của PCA và những động thái gần đây của Trung Quốc, đến Thanh Đảo lên thăm tàu sân bay Liêu Ninh… nhưng có vẻ như Trung Quốc vẫn thể hiện thái độ ngang ngược vốn có của mình.

Trong một bản tin phát đi từ Quảng Châu, hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) cho hay, trong chuyến đi thị sát các hạng mục tại chiến khu Nam Bộ, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ươngTrung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long đã yêu cầu quân đội của nước này phải tăng tốc thúc đẩy chuẩn bị đấu tranh quân sự, nỗ lực tăng cường huấn luyện quân sự, không ngừng nâng cao năng lực răn đe và thực chiến. Đồng thời, dự định sẽ đưa 8 tàu du lịch xuống Biển Đông.

Điều đáng nói, sau phán quyết của PCA một tuần, Trung Quốc đã tiến hành phong tỏa một phần Biển Đông trong 3 ngày (19, 20 và 21/7) để tiến hành diễn tập quân sự. Đây là đợt tập trận quân sự đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi PCA ra phán quyết bác “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh ở biển Đông.

Vào thời điểm PCA chuẩn bị ra phán quyết trước đó, hải quân Trung Quốc cũng tiến hành diễn tập quân sự ở khu vực từ đảo Hải Nam tới vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chưa hết, Trung Quốc còn thúc đẩy các hoạt động quân sự sau phán quyết của PCA vụ kiện “đường lưỡi bò”, Trung Quốc dự định sẽ đưa đến 8 tàu phục vụ các chuyến du lịch ra Biển Đông trong vòng 5 năm tới, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng, động thái này của Trung Quốc là nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ, nếu như Mỹ không có động thái gì mới ngoài những tuyên bố, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục dâng cao các động thái mới.

Phan Duy Hảo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore viết trênStrait Timesrằng, nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hành động đơn phương và khiêu khích không phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ở Biển Đông, các cường quốc bên ngoài sẽ thực hiện thêm các biện pháp ngoại giao, chính trị hoặc phương pháp khác cứng rắn hơn. Trung Quốc sẽ càng hiện lên là một cường quốc đang lên nhưng lại thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy định trong luật biển.

Thay đổi cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông

Theo chuyên gia Malcolm Cook của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á,phán quyết PCA, với việc bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và kết luận về các thực thể tại Biển Đông, không chỉ có ý nghĩa với Philippines mà còn ý nghĩa đối với Trung Quốc và cả khu vực.

Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc đang phải đối với mặt với thách thức lớn là làm thế nào để thay đổi cách tiếp cận vớivấn đề Biển Đông

Cùng quan điểm trên, TS. Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng có thể coi đây là một cột mốc lịch sử trong tiến trình tranh chấp Biển Đông từ trước tới nay, vì đây là lần đầu tiên một quốc gia đã sử dụng các công cụ pháp lý, để thách thức các yêu sách của một quốc gia khác tham gia vào tranh chấp này.

“Ý nghĩa quan trọng của phán quyết thể hiện ở chỗ nó đã làm sáng tỏ một số các yêu sách của các bên liên quan, qua đó có thể thúc đẩy các bên hướng tới khả năng giải quyết được cuộc xung đột này về lâu dài”, TS. Hiệp nói.

Đặc biệt, phán quyết của PCA đã giúp thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp ở trên Biển Đông, nhất là các tranh chấp liên quan tới yêu sách của Trung Quốc xung quanh cái gọi là “đường lưỡi bò” và các thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Cụ thể, PCA đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử trong phạm vi "đường 9 đoạn" là đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vì vậy nó không có giá trị pháp lý.

Một điểm nữa là PCA xác nhận rằng không có một thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có đủ điều kiện để coi là một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người, cũng như khả năng duy trì đời sống kinh tế riêng theo quy định của điều 121 của UNCLOS năm 1982, chính vì vậy không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa được hưởng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, mà chỉ có tối đa được hưởng vùng lãnh hải 12 hải lý. Vì vậy nó đã làm giảm đáng kể các chồng lấn trong yêu sách của các bên ở Biển Đông.

Trong khi đó, TS. Greg Raymond, Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng và Chiến lược, Trường Coral Bell về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc hiện đang bị cô lập hơn và yêu sách của họ bị yếu thế rất nhiều cả về phương diện đạo đức lẫn pháp lý. Vì vậy, bất chấp Bắc Kinh có phản đối nhiều đến mức nào đi nữa, thì phán quyết của PCA vẫn có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng./.