Tình thế khó khăn

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Thượng viện Anh ngày 18/6 đã bác bỏ kế hoạch của Chính phủ nhằm giảm thiểu vai trò và tiếng nói của Nghị viện đối với quá trình Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Đây được coi là thất bại nặng nề đối với Chính phủ của Thủ tướng Theresa May, khiến nỗ lực của London nhằm đạt được thỏa thuận có lợi nhất với EU trở nên khó khăn hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thất bại được báo trước

Tại cuộc bỏ phiếu ngày 18/6, Thượng viện đã phủ quyết đề xuất của Chính phủ nhằm sửa một điều khoản trong dự luật về Brexit, theo hướng giảm bớt vai trò của Nghị viện đối với quá trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit.

Thay vào đó, với 354 phiếu thuận và 234 phiếu chống, Thượng viện đã thông qua đề xuất do một nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ EU thúc đẩy, nhằm sửa đổi điều khoản trong dự luật trên theo hướng cho phép Nghị viện có quyền quyết định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận nào về Brexit.

Với đề xuất mới, các bộ trưởng trong Chính phủ Anh sẽ phải báo cáo Hạ viện vào ngày 21/1/2019 về triển vọng Anh và EU có đạt được thỏa thuận không. Trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận nào, Chính phủ Anh sẽ có 2 tuần để trình Hạ viện kế hoạch Brexit và các nghị sĩ sẽ biểu quyết.

Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng May phản đối đề xuất này, cho rằng Nghị viện được trao quá nhiều thẩm quyền quyết định đối với quá trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit, gây bất lợi cho London trong các cuộc thương lượng sắp tới, liên quan đến những vấn đề trọng tâm như chính sách thương mại và thuế.

Thất bại này đã được báo trước, bởi đảng Bảo thủ của bà May không kiểm soát đa số ghế tại Thượng viện. Trong khi đó, Công đảng đối lập lại chọn ủng hộ đề xuất của các nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ, những người đang tìm kiếm cơ hội đảo ngược quá trình Brexit.

Đối đầu với nghị sĩ Bảo thủ

Vấn đề thẩm quyền bỏ phiếu của Nghị viện trong dự luật Brexit đã gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ. Những người ủng hộ châu Âu muốn Nghị viện có tiếng nói cuối cùng đối với thỏa thuận đạt được giữa Anh và EU về Brexit.

Thủ tướng Theresa May và các thành viên Nội các cho rằng, sự can thiệp của Nghị viện vào quá trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit có thể cản trở hoặc trì hoãn tiến trình thoái lui có trật tự và suôn sẻ của Anh khỏi EU.

Dự luật về Brexit đang trong giai đoạn xem xét cuối cùng trước khi được Nghị viện Anh thông qua, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Anh, trong bối cảnh thời hạn nước này rời EU cận kề.

Dự luật về Brexit nhằm đảo ngược Đạo luật Các cộng đồng châu Âu 1972, cho phép Anh gia nhập Cộng đồng châu Âu tại thời điểm đó; đồng thời, sao chép các đạo luật EU hiện hành thành luật trong nước, ngăn chặn xáo trộn sau khi Anh chính thức rời khỏi EU. Dự luật cũng tạo cơ hội cho Nghị viện Anh có quyền quyết định đối với tương lai của Anh hậu Brexit.

Đầu tháng 5 vừa qua, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu thông qua một số đề xuất sửa đổi trong dự luật Brexit, trong đó có điều khoản cho phép Nghị viện ngăn chặn hoặc trì hoãn thỏa thuận Brexit cuối cùng.

Tuy nhiên, ngày 12/6, Hạ viện Anh đã phủ quyết đề xuất sửa đổi này. Thay vào đó, các nghị sĩ ủng hộ Chính phủ đưa ra đề xuất sửa đổi mang tính thỏa hiệp hơn.

Thủ tướng May cũng từng bảo đảm rằng các nhà lập pháp sẽ được bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit cuối cùng. Tuy nhiên, các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ EU cho biết, trong bản dự thảo được Chính phủ công bố cuối tuần trước, điều khoản này đã bị thay đổi về câu chữ, khiến nội dung liên quan tới thẩm quyền quyết định của Nghị viện không đáp ứng đòi hỏi của nghị sĩ. Trên thực tế, Nghị viện không được quyền phủ quyết rõ ràng trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận Brexit.

Sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện ngày 18/6, các đề xuất sửa đổi trong dự luật về Brexit sẽ tiếp tục được đưa ra Hạ viện thảo luận và bỏ phiếu.

Đây là quy trình làm luật trong Nghị viện Anh, trước khi hai viện thống nhất thông qua văn bản luật. Giới quan sát dự đoán, thất bại tại Thượng viện sẽ dọn đường cho cuộc đối đầu căng thẳng giữa các nghị sĩ thuộc phe Chính phủ và các nghị sĩ “nổi loạn” của đảng Bảo thủ.

Trước đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cho rằng, những đề xuất nhằm trao quyền cho Nghị viện trong chỉ đạo các cuộc đàm phán với EU là mưu toan nhằm hủy hoại kết quả cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit.

Ông Davis nhấn mạnh, việc Anh rời EU là quyết định của người dân Anh và sẽ không thay đổi, bất kể kết quả các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về sự ra đi này như thế nào.