Trừng phạt Nga EU tự dựng lên một bức tường Berlin mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cuộc khủng hoảng hiện nay tại Nga - nhất là sự mất giá của đồng ruble cho thấy sự mong manh không chỉ của nền kinh tế nước này, mà của cả hệ thống kinh tế quốc tế bao gồm cả EU và Hoa Kỳ... Từ đó mà thấy rõ hơn sự ảnh hưởng của cuộc đối đầu Đông - Tây sau chiến tranh lạnh. Không chỉ là súng đạn. Có thể là dầu mỏ, có thể là một vùng đất tranh chấp nào đó có ý nghĩa về địa - chính trị.

Trừng phạt Nga EU tự dựng lên một bức tường Berlin mới
Nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga. Nguồn: internet

Sau cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latin những năm 80 của thế kỷ trước và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các nền kinh tế đang trỗi dậy đã quyết tâm vạch ra cách thức tránh những cuộc khủng hoảng tương tự. 3 chìa khóa để quản lý những nguy hiểm của toàn cầu hóa tài chính hiện đại được xác định: dự trữ ngoại tệ lớn để ngăn chặn các cuộc tấn công đầu cơ; tránh thâm hụt tài khoản vãng lai lớn (với thặng dư tài khoản vãng lai được dùng để tích tụ dự trữ ngoại tệ); nợ nước ngoài của nhà nước và tư nhân thấp. Hơn nữa, các nền kinh tế đang nổi đã rút ra được các bài học quản trị, công nhận sự cấp bách của việc tăng cường minh bạch và giảm tham nhũng. Các nhà hoạch định chính sách và các thể chế tài chính đã dành sự chú ý đáng kể tới những chỉ số cảnh báo.

Trước năm 2014, Nga đạt thành tích tốt theo tất cả các tiêu chí trên và không có những dấu hiệu cảnh báo. Năm 2013, nợ nước ngoài của khu vực nhà nước chỉ là 3,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) còn nợ nước ngoài của khu vực tư nhân cũng chỉ tương đương 30,2% GDP. Đầu năm 2014, dự trữ ngoại tệ của Nga là 472 tỷ USD, được hỗ trợ bởi thặng dư tài khoản vãng lai lớn. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tổng trị giá tài sản nước ngoài của nước này là 1.400 tỷ USD, cao hơn tổng nợ là 1.200 tỷ USD.

Như vậy điều gì đã xảy ra? Theo giới chuyên gia, vấn đề có thể là những tài sản đó không dễ huy động trong khủng hoảng. Một số nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho rằng, bảng cân đối tài sản tài chính thường được nước ngoài sử dụng làm phương tiện để tạo thêm trung gian, một hệ thống cho phép việc rút vốn quy mô lớn. Điều này dường như đúng đối với Nga. Nói cách khác, các công ty Nga đang sử dụng vốn họ huy động ở nước ngoài để tích tụ tài sản mà họ không cần phải đưa về nước. Trong tình hình đó, bất trắc có thể xảy ra, ngay cả với những quốc gia có dự trữ ngoại tệ và thặng dư tài khoản vãng lai lớn. Rốt cuộc, các công ty có thể nhanh chóng dùng hết dự trữ và phải tiếp cận tài sản nước ngoài nếu họ cần thanh toán.

Các quốc gia không thể đồng thời có tỷ giá hối đoái cố định, tài khoản vốn mở và chính sách tiền tệ độc lập. Trong ngành tài chính, các luồng vốn có thể không tương thích với sự ổn định tài chính. Và khi các vấn đề an ninh quốc tế trở nên nổi bật, như trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Nga, sự di chuyển vốn đang tạo ra biến động lớn hơn.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật của trật tự toàn cầu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai là sự tương tác giữa các hệ thống quản trị kinh tế và an ninh, với 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Ban giám đốc của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giúp tránh các cuộc tấn công đầu cơ có động cơ chính trị và khôi phục sự ổn định tài chính và tiền tệ toàn cầu.  Trong những năm 90, Nga đã gia nhập IMF và có một ghế trong ban giám đốc. Moscow cũng là thành viên của Nhóm G-8 (gồm 7 nước công nghiệp phát triển và Nga) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20). Nhưng G-8 đã đình chỉ Nga và nước này cũng bị G-20 hạ cấp xuống quy chế “Quan sát viên” tại Hội nghị Thượng đỉnh mới đây diễn ra ở Brisbane (Australia). Nói tóm lại, trật tự thế giới đang thay đổi theo xu hướng không khả quan.

Đó là những hệ lụy nhãn tiền từ cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga. Với riêng châu Âu, theo các nhà kinh tế, những biện pháp siết chặt gọng kìm kinh tế đối với Nga đang và sẽ còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế của cả Nga lẫn châu Âu và cả thế giới. Một nhà lãnh đạo Đức cho biết xuất khẩu của Đức sang Nga sẽ giảm 20% trong năm 2014 do sức mua của người Nga giảm, và việc này đương nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động Đức. Trong khi đó, Pháp, với 49 tỷ euro cho Nga vay, là chủ nợ lớn của Nga trong Liên minh châu Âu (EU), cũng đang rất lo sợ bị thiệt hại lớn từ cuộc khủng hoảng đồng ruble.

Nội bộ EU ngày càng lo ngại về những hậu quả từ sự sụp đổ (có thể xảy ra) đối với Nga. Nếu kịch bản đó xảy ra, rất có thể sẽ kéo theo một sự sụp đổ khác đối với nền kinh tế của châu Âu và không loại trừ khả năng sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh mới. Các nhà chính trị có ảnh hưởng ở châu Âu cho rằng, sự sụp đổ (nếu có) đối với Nhà nước Nga sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm đối với châu lục này. Xuất phát từ những lo ngại ấy, một số quốc gia châu Âu đã đề nghị giảm bớt sự trừng phạt của EU đối với Nga.

Hơn nữa, trên thực tế, một số nước châu Âu còn phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Nga phụ thuộc họ. Hàng triệu gia đình châu Âu được sưởi ấm bởi khí đốt của Nga. Trong số những người giàu nhất ở Đức, có hơn 300.000 người hoặc hưởng lương trực tiếp hoặc có những hợp đồng thương mại với Nga. Thêm vào đó, ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga thêm trầm trọng. 

Châu Âu đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với lệnh trừng phạt bởi mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau. Và thật khó để trừng phạt Nga mà EU lại không bị ảnh hưởng. Đây là lý do vì sao nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga.

Trước thực tế này, giới truyền thông đã ví von rằng EU đang tự dồn mình vào chân tường. Sau 25 năm kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, châu Âu lại tự mình dựng lên một bức tường Berlin mới - bức tường của những lệnh trừng phạt chống Nga.