Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tăng trưởng:

Trung Quốc: Hướng tới GDP chất lượng

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

2017 được nhận định là năm then chốt trong thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, trong đó một trọng tâm là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ nóng sang bền vững và cân bằng hơn. Mục tiêu này đã được tái khẳng định tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc Khóa XII, diễn ra hồi tháng 3 và tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vừa qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
2017 được nhận định là năm then chốt trong thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc, trong đó một trọng tâm là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ nóng sang bền vững và cân bằng hơn. Mục tiêu này đã được tái khẳng định tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc Khóa XII, diễn ra hồi tháng 3 và tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vừa qua.

Cũng trong năm nay, lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố từ bỏ mục tiêu tăng gấp đôi GDP kể từ năm 2021. Mục tiêu trên được Trung Quốc đặt từ năm 2012, theo đó, từ nay tới năm 2020, Trung Quốc phải tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người so với mức của năm 2010.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào chất lượng tăng trưởng thay vì chỉ tìm kiếm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng như trước kia”, ông Dương Vĩ Dân, Phó Chủ tịch Văn phòng Trung ương về các vấn đề tài chính và kinh tế cho biết trong cuộc họp báo hôm 26.10, sau khi Đại hội Đảng XIX kết thúc.

Trung Quốc đang nỗ lực chuyển từ tăng trưởng phi mã dựa vào xuất khẩu và đầu tư, sang mô hình tăng trưởng bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa và ngành dịch vụ. Ý tưởng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã được đề cập từ Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 và bắt đầu được cụ thể hóa tại Đại hội XVIII năm 2012, trong bối cảnh các vấn đề của một nền kinh tế tăng trưởng theo chiều rộng đã bộc lộ sau 3 thập kỷ tăng trưởng nóng.

Chuyển từ “lượng” sang “chất”

Trung Quốc có 3 chiến lược để ngăn chặn xu hướng này. Đầu tiên là thu hẹp quy mô nền kinh tế cũ bằng cách giảm công suất trong các ngành công nghiệp nặng do các tập đoàn sở hữu nhà nước chi phối, trong đó có thép, than và nhôm. Thứ hai là mở rộng nền kinh tế mới bằng cách hỗ trợ các dịch vụ giá trị gia tăng cao và công nghệ tiên tiến. Và thứ ba là cải cách các hệ thống tài chính chính quyền địa phương trong khi thắt chặt quy chế về các công cụ tài chính mới như sản phẩm quản trị tài sản. 

Những biện pháp này đã bước đầu phát huy tác dụng, giúp Trung Quốc ổn định tốc độ tăng GDP những năm gần đây. Cơ cấu kinh tế hiện nay của Trung Quốc có sự khác biệt rất lớn so với thời kỳ tăng trưởng “phi mã”. Khi đó, đi kèm tăng trưởng với đầu tư lớn, còn có sự mở rộng tín dụng, tiêu hao năng lượng lớn, hoạt động công nghiệp diễn ra mạnh mẽ với việc nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu.

Cùng với việc tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào các ngành dịch vụ và nhu cầu trong nước, những yếu tố giúp cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh như trước kia đã không còn nữa. Vì vậy, thành phần cấu thành GDP của Trung Quốc sẽ thay đổi. GDP mới sẽ bao gồm các hoạt động dịch vụ nhiều hơn, chẳng hạn sẽ xuất hiện các ngành mới về giáo dục và văn hóa, vui chơi giải trí, truyền thông, thời trang, gia đình và dịch vụ cá nhân. Các dịch vụ này chủ yếu thuộc các lĩnh vực “phi thương mại”, “phi xuất khẩu”, rất khó để phản ánh và tính toán trong GDP truyền thống.

Trong khi tăng trưởng kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào tiêu thụ, “thành phần phúc lợi” trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên tương ứng, đem lại GDP chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng theo đó sẽ không tránh khỏi tình trạng giảm xuống. Điều này là vì việc tăng năng suất trong lĩnh vực dịch vụ thường thấp hơn so với sản xuất (bởi vì sản xuất dễ sử dụng những tiến bộ trong công nghệ để tăng năng suất).

Nói cách khác, mức độ tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm. Tuy vậy, đây sẽ là xu hướng tất yếu của việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP chú trọng về lượng, thúc đẩy tăng trưởng GDP chất lượng và bền vững. Bởi chỉ phát triển bền vững mới là con đường bảo đảm cho tương lai.