Ứng dụng dữ liệu số trong quản trị ở Trung Quốc: Mặt trái của tiềm năng

Theo daibieunhandan.vn

Với dân số 1,4 tỷ người cùng một nền kinh tế hiện đại đang mở rộng tốc độ phát triển kỹ thuật số chóng mặt, cứ mỗi giây, Trung Quốc tạo ra những dữ liệu không thể tin được. Việc tập trung khai thác dữ liệu (Big Data) đang được Chính phủ nước này hết sức coi trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiềm năng to lớn

Nhắc tới nền tảng của hệ thống thông tin, không thể không nhắc đến các trung tâm dữ liệu (Data Center), trái tim của toàn bộ hệ thống. Đây là nơi tập trung nhiều thành phần tin học (phần cứng, phần mềm…) làm chức năng lưu trữ, xử lý toàn bộ dữ liệu hệ thống với khả năng sẵn sàng và độ ổn định cao. Chính bởi vậy, việc xây dựng các trung tâm này là xu thế tất yếu, không thể thiếu đối với từng doanh nghiệp, tổ chức và cả các quốc gia.

Trên thế giới, có nhiều nước cũng sử dụng Big Data để cải thiện hệ thống an sinh xã hội như Australia, hay Singapore. Nhận thấy tầm quan trọng của điều này, tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu quốc gia lớn, mang tính tích hợp với mục đích nâng cao giá trị sử dụng các nguồn dữ liệu khổng lồ hiệu quả và an toàn hơn.

Theo ông Zhang Feng, kỹ sư trưởng của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), trung tâm này nhằm thúc đẩy việc chia sẻ các nguồn dữ liệu công cộng tốt hơn, cho phép mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng, đặc biệt trong các lĩnh vực tín dụng, giao thông vận tải, y tế, việc làm…

Trong kinh doanh, Trung Quốc là thị trường bán lẻ cực kỳ quan trọng. Dữ liệu lớn đang là mỏ vàng của các nhà bán lẻ nước này. Mỗi khi người tiêu dùng nghiên cứu một sản phẩm nào đó, ghé thăm một cửa hàng, hoặc thực hiện mua hàng, các dữ liệu  được ghi nhận và thu thập lại sẽ là tiềm năng giúp các nhà kinh doanh khai thác, mở rộng thị trường.

Không chỉ thế, nếu những dữ liệu này được lưu trữ, tập trung vào phân tích hợp lý, chúng hoàn toàn có thể đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, y tế, giáo dục… cho quốc gia. Với những dữ liệu lớn từ thị trường kinh doanh, tiêu dùng, các công ty và chính phủ có thể tạo được những thông tin hữu ích theo thời gian, thậm chí, giúp đưa ra những dự báo về xu hướng thị trường, xu hướng tiêu dùng trong tương lai không chỉ cho Trung Quốc, mà cho cả thế giới.

Về lĩnh vực hành chính, chính phủ cũng có thể sử dụng các dữ liệu để điều chỉnh các chính sách và cải cách thuế… Trung Quốc cũng sẽ nghiên cứu xây dựng một lộ trình phát triển dữ liệu công nghiệp để nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo và sản xuất. Theo dự báo, lợi nhuận của ngành công nghiệp dữ liệu của nước này đến năm 2020 sẽ vượt con số 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 150 tỷ USD.
 
Rủi ro và nguy cơ

Dù việc chú trọng vào tập trung khai thác dữ liệu là điều nên làm, song lại đặt ra những nguy cơ rất lớn. Thứ nhất, phải tính đến cách thu thập và xử lý các dữ liệu như thế nào? Nếu những dữ liệu mà Chính phủ hoặc các công ty ở Trung Quốc không thể tận dụng để chuyển hóa thành thông tin hay lợi nhuận, phương án giải quyết sẽ ra sao?  Ngoài ra, còn phải tính đến những tác động ảnh hưởng đến nhiều mặt nếu dữ liệu thu thập được xử lý sai hoặc không chính xác.

Thứ hai là những lo ngại về quyền riêng tư. Nhiều chuyên gia nhận định, chính phủ đã khá tham vọng trong việc thu thập khổng lồ các dữ liệu về công dân, song lại không có chính sách bảo vệ quyền riêng tư của họ. Vấn đề cuối cùng là an ninh mạng.

Vụ mã độc Wanna Cry xảy ra mới đây càng khẳng định rõ, một nơi tập trung quá nhiều dữ liệu sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các hacker. Bởi vậy, nếu cơ sở dữ liệu bị thâm nhập, hậu quả sẽ vô cùng nặng nề.

Trước những nguy cơ trên, các nhà chức trách Trung Quốc cho biết, sẽ tăng cường bảo vệ an ninh trong việc thu thập, lưu trữ, ứng dụng và chia sẻ dữ liệu lớn, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến nêu trên.