Vì sao USD vẫn có thể mất giá dù FED tăng lãi suất?

Theo Thăng Điệp/ vneconomy.vn

Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất trong năm nay, thì đồng USD vẫn đối mặt với áp lực giảm giá. Đâu là cơ sở để giới phân tích đưa ra dự báo như vậy?

Việc đồng USD yếu có liên quan nhiều đến sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: Internet
Việc đồng USD yếu có liên quan nhiều đến sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Nguồn: Internet

Theo hãng tin CNBC, lý do khiến USD có khả năng còn mất giá thêm trong thời gian tới nằm ở châu Âu và Trung Quốc. Tháng 1 vừa qua, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã giảm 3%, mức giảm mạnh nhất trong một tháng trong vòng 2 năm qua, và đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tục của đồng bạc xanh.

Trong một cuộc trao đổi với CNBC mới đây, ông Jens Nordvig, chuyên gia tỷ giá sáng lập công ty Exante Data, nói rằng dù đã áp dụng nhiều biện pháp kích cầu, bao gồm kế hoạch cải tổ thuế của Tổng thống Donald Trump, tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng chỉ đạt mức "ngang cơ" với kinh tế châu Âu.

Bởi vậy, khi nền kinh tế toàn cầu giữ nhịp tăng trưởng khả quan như hiện nay, áp lực mất giá đối với USD sẽ ngày càng tăng.

"Việc đồng USD yếu có liên quan nhiều đến sức mạnh tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu", ông Nordvig phát biểu.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 2,7% trong quý 1 năm nay, khi chương trình cắt giảm thuế bắt đầu có tác động đến nền kinh tế. Trong khi đó, GDP của châu Âu đã tăng 2,5% "mà chẳng cần đến biện pháp kích thích bằng tài khóa nào", ông Nordvig nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mạnh lên so với USD, và ông Nordvig dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn. Vị chuyên gia cho rằng mức tỷ giá 1,28 USD đổi 1 Euro là hoàn toàn có thể đạt được. Sáng 6/2, tỷ giá Euro/USD có lúc đứng ở mức 1,2358 USD/Euro.

Trước đó, vào hôm 25/1, tỷ giá đồng Euro so với USD đã chạm mốc 1,25 USD/Euro, mức cao nhất trong 3 năm. Trong tháng 1, đồng tiền chung châu Âu tăng giá gần 4% so với đồng bạc xanh, mức tăng mạnh nhất trong một tháng kể từ tháng 3/2016.

Sự tăng giá của Euro trong tháng 1 một phần nhờ phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi rằng ông không định sẽ cắt giảm thêm lãi suất - một tín hiệu cho thấy ECB đã hoàn tất lần cắt giảm cuối cùng trong chu kỳ lãi suất này.

Và khi ECB chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ, Euro được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với USD, ngay cả khi FED đẩy lãi suất USD lên cao hơn. Hai ngân hàng lớn của châu Âu là UBS và Barclays đều đã dự báo tăng lãi suất tiền gửi trong năm nay, cho dù ông Draghi vẫn thể hiện quan điểm mềm mỏng.

Thông thường, khi lãi suất USD tăng thì nhu cầu USD cũng tăng, bởi các nhà đầu tư sẽ mua vào USD để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn. Mặc dù vậy, mọi chuyện lần này hoàn toàn khác, bởi không chỉ Mỹ mà phần còn lại của thế giới cũng hướng tới tăng lãi suất. Trong ngắn hạn, thị trường rất có thể sẽ đặt cược vào khả năng lãi suất Mỹ tăng chậm hơn so với lãi suất ở châu Âu và Trung Quốc.

"Cho dù các ngân hàng trung ương khác có tăng lãi suất sau FED, thì rốt cục họ cũng sẽ đuổi kịp và vượt", ông Nordvig nói. "Đang có nhiều ngân hàng trung ương thể hiện quan điểm cứng rắn, và điều này thực sự quan trọng đối với xu hướng tỷ giá đồng USD".

Đồng NDT của Trung Quốc cũng tăng giá so với USD từ đầu năm đến nay. Sau khi tăng mạnh trong tháng 1 vừa qua, NDT đã hồi lại gần mức tỷ giá ở thời điểm trước cú phá giá 2% mà Bắc Kinh thực hiện hồi tháng 8/2015.

"Trung Quốc giữ một vai trò rất quan trọng trong những gì đang diễn ra", ông Nordvig nói. "Trước đây, họ thường ghìm tỷ giá lại mỗi khi họ cho rằng đồng Nhân dân tệ tăng giá quá nhiều. Năm nay, họ không làm vậy".

Tháng 1, NDT tăng giá 3,5% so với USD, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Sang tháng này, NDT giảm giá trở lại so với bạc xanh, nhưng mức giảm không đáng kể.