Nhật Bản bị "chỉ trích" vì từ chối bỏ điện than tại COP26

Theo Trần Võ/nhadautu.vn/Reuters

Hơn 20 quốc gia đã đồng ý loại bỏ điện than tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, nhưng không phải là Nhật Bản - một "bước lùi" đối với quốc gia từng dẫn đầu Nghị định thư Kyoto về giảm phát thải khí nhà kính.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Thỏa thuận loại bỏ điện than nằm trong một loạt các cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tuần trước. Các quan chức cho biết Nhật Bản, nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch thứ ba trên thế giới, đã từ chối ký kết vì nước này cần duy trì tất cả các lựa chọn để phát điện.

Các nhà phê bình gọi đó là thiển cận, ngay cả khi thủ tướng mới, Fumio Kishida, đã đồng ý tăng cường các biện pháp môi trường khác.

Eric Christian Pedersen, người đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm tại công ty quản lý quỹ Nordea Asset Management của Đan Mạch, cho biết: "Mặc dù Thủ tướng Kishida cam kết sẽ chỉ đạo tăng cường tài trợ cho tài chính khí hậu, song chúng tôi thất vọng vì ông ấy không giải quyết được vấn đề lớn nhất trong nước - sự phụ thuộc của Nhật Bản vào than đá".

Những lời chỉ trích làm nổi bật sự thay đổi tình thế của Nhật Bản. Nước này đã dẫn đầu các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong thời kỳ Nghị định thư Kyoto những năm 1990, nhưng họ đã đốt nhiều than hơn và các nhiên liệu hóa thạch khác sau thảm họa Fukushima 10 năm trước.

Kiran Aziz, người đứng đầu bộ phận đầu tư có trách nhiệm tại KLP, quỹ hưu trí lớn nhất Na Uy, cho biết việc không loại bỏ than đá đã "thể hiện rằng Nhật Bản đang đi lùi với xu thế bằng cách hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện tiếp tục hoạt động dựa trên các công nghệ mới".

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã không ký hiệp ước và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không tham dự hội nghị. Nước này cho biết sẽ giảm 1,8% việc sử dụng than để sản xuất điện trong vòng 5 năm tới.

Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ hàng tỷ USD cho các quốc gia dễ bị tổn thương cũng như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á cho năng lượng tái tạo và nhiên liệu đốt sạch hơn. Họ cũng đã cắt giảm các mục tiêu sử dụng than và nâng cao các mục tiêu cho năng lượng tái tạo.

"Ở Nhật Bản, nơi khan hiếm tài nguyên và được bao quanh bởi biển, không có nguồn năng lượng hoàn hảo duy nhất. Vì lý do này, Nhật Bản không thể ủng hộ tuyên bố trên", Noboru Takemoto, một lãnh đạo của Bộ Công nghiệp, nói.

Năm ngoái, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ đẩy nhanh việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030, sau đó đưa ra các tiêu chuẩn hiệu suất tối thiểu và yêu cầu các công ty phải gửi các bản cập nhật hàng năm về quá trình chuyển giao giai đoạn.

Tuy nhiên, các công ty đang từ chối các kế hoạch như vậy, giám đốc điều hành cấp cao của một công ty sản xuất máy phát điện lớn của Nhật Bản cho biết.

Một cuộc khảo sát của Reuters về các công ty Nhật Bản đang vận hành các tổ máy điện than cũ, bao gồm Điện lực Hokuriku và Điện lực Hokkaido, cho thấy hầu hết họ chưa quyết định lịch trình đóng cửa nhà máy điện than.

Hiện Điện lực Hokuriku chỉ có kế hoạch đóng cửa một nhà máy than 250 megawatt vào năm 2024.

Người phát ngôn của công ty cho biết: "Các nhà máy nhiệt điện chạy than của chúng tôi đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì nguồn cung cấp điện ổn định".

Hokkaido Electric, công ty đóng cửa hai nhà máy than vào năm 2019, hiện không có kế hoạch đóng cửa thêm bất kỳ một cơ sở nào, trong khi 5 công ty khác được khảo sát cho biết họ không có đề xuất chắc chắn. Một số đang xem xét việc sử dụng nhiên liệu sạch hơn, chẳng hạn như amoniac.

Mutsuyoshi Nishimura, một cựu quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản và trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu, cho biết: "Đối với các tập đoàn ủng hộ than ở Nhật Bản, điều quan trọng hơn là kinh doanh chứ không phải hành tinh. Thật buồn khi không có tầm nhìn nào cho một Nhật Bản sạch hơn, tốt hơn, bền vững hơn và cạnh tranh hơn".