Nhu cầu nhà ở tại Mỹ vẫn cao bất chấp đại dịch COVID-19

Theo Phan An/TTXVN

Doanh số bán nhà mới tại Mỹ đã tăng trở lại trong tháng Tư sau hai tháng giảm mạnh, nhưng giá nhà vẫn lao dốc do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nhu cầu nhà ở tại Mỹ vẫn cao bất chấp đại dịch COVID-19.
Nhu cầu nhà ở tại Mỹ vẫn cao bất chấp đại dịch COVID-19.

Trong báo cáo công bố ngày 26/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng vừa qua, doanh số bán nhà mới ở nước này đã tăng 0,6% lên 623.000 nhà. Mặc dù thấp hơn 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng con số này vẫn vượt xa mức dự báo 485.000 nhà của các chuyên gia kinh tế.

Số liệu trên cho thấy nhu cầu về nhà ở tại Mỹ vẫn ở mức cao. Theo giới phân tích, nhu cầu mua nhà có thể giúp nền kinh tế số một thế giới nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19 khi mở cửa trở lại giai đoạn hậu phong tỏa.

Cũng theo báo cáo trên, trong tháng Tư, giá nhà trung bình ở Mỹ đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp xuống còn 309.900 USD, giảm 17.000 USD so với tháng trước.

Thị trường nhà đất, vốn là một trong những động lực chính của nền kinh tế Mỹ, đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây nhờ lãi suất cho vay thấp và thị trường việc làm vững chắc. Giới phân tích nhận định lãi suất thấp có thể giúp nền kinh tế Mỹ hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhưng với gần 40 triệu người bị mất việc kể từ giữa tháng Ba, doanh số bán nhà có thể bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, kết quả khảo sát của tổ chức nghiên cứu The Conference Board thực hiện và công bố cho thấy niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ đã ổn định trở lại trong tháng 5/2020, sau hai tháng giảm mạnh do đại dịch COVID-19 khiến hoạt động của nền kinh tế hàng đầu thế giới bị gián đoạn.

Cụ thể, trong tháng Năm, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đạt 86,6 - tăng nhẹ so với mức điều chỉnh giảm 85,7 của tháng trước nhưng vẫn thấp hơn so với dự báo của giới phân tích. Chuyên gia Lynn Franco, người đứng đầu bộ phận thống kê các chỉ số kinh tế của Conference Board, cho biết sau hai tháng giảm nhanh, chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng này đã thoát khỏi tình trạng "rơi tự do".

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo lộ trình phục hồi kinh tế không đồng đều cộng với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai dường như vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

Kết quả khảo sát của The Conference Board cũng cho thấy hơn 50% số người tiêu dùng cho rằng điều kiện kinh doanh trong tháng Năm đang "xấu đi", so với chỉ 16,3% có ý kiến ngược lại - giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, 43,3% số người được hỏi bày tỏ hy vọng điều kiện kinh doanh sẽ cải thiện trong 6 tháng tới, trong khi chỉ có 21,4% số người được hỏi dự đoán điều kiện kinh doanh sẽ tồi hơn.