OECD cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế bán niên vừa được công bố hôm 21/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay khi mà tăng trưởng thương mại được cắt giảm một nửa xuống còn 2,1%.

OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay.
OECD đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,2% trong năm nay.

Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2016 và giảm nhẹ so với dự báo gần đây nhất được OECD đưa ra hồi tháng 3 là 3,3%.

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn một chút trong năm tới với tốc độ 3,4%, nhưng chỉ khi Mỹ và Trung Quốc rút lại các quyết định tăng thuế được công bố trong tháng này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 10/5. Ngay lập tức bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ nâng thuế lên 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Mỹ có thể thấp hơn trung bình 0,2-0,3% vào năm 2021 và 2022 nếu hai nước không rút lại chính sách thuế quan ăn miếng trả miếng đánh lên hàng hóa của nhau.

Nếu không tính đến đợt tăng thuế mới nhất, OECD dự báo Mỹ sẽ vượt xa các nền kinh tế phát triển lớn khác với mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay, tăng so với mức 2,6% mà tổ chức này dự báo ​​vào tháng 3. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ chậm lại, chỉ tăng trưởng 2,3% trong năm tới ngay cả khi việc tăng thuế mới không được thực hiện.

Trong khi mặc dù Trung Quốc (không phải là một quốc gia OECD) đã tìm cách kích thích nền kinh tế của mình, nhưng tăng trưởng vẫn giảm từ 6,2% trong năm nay xuống còn 6,0% vào năm 2020, mức thấp nhất trong 30 năm đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm tốc mạnh, OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới song cũng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – xuống còn 0,7% trong năm nay 0,6% vào năm 2020, đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3 của OECD.

Khu vực đồng euro cũng đang phải trả giá đắt cho sự suy giảm thương mại toàn cầu, với mức tăng trưởng được dự báo chỉ đạt 1,2% trong năm nay trước khi tăng lên 1,4% trong năm tới. Mặc dù vậy, các con số này vẫn khả quan so mức 1,0% và 1,2% như dự báo ​​vào tháng 3.

Phát biểu với CNBC trước thềm Diễn đàn mùa xuân của Tổ chức này, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cảnh báo, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã cản trở sự phục hồi toàn cầu và đang tiếp tục gây nguy hiểm cho đầu tư và tăng trưởng.

“Mọi người hôm nay đang đặt cược vào một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng vấn đề là ở chỗ nó căng thẳng ngày càng lớn và, thứ hai, vấn đề - hiệu ứng lan tỏa của căng thẳng này - ngày càng trở nên rõ ràng hơn”, ông nói.

Gurria cho biết căng thẳng thương mại đang tác động đến tăng trưởng và đầu tư. Chính điều đó đã khiến OECD cắt giảm gần 1% dự đoán tăng trưởng toàn cầu của chính mình trong 12 tháng qua. Còn nhớ chỉ một năm trước, OECD dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,9% trong năm 2019.

“Sự không chắc chắn là kẻ thù lớn nhất của tăng trưởng và khi bạn không đầu tư vì không chắc chắn về thương mại, thì lẽ đương nhiên, theo nguyên tắc thông thường, tăng trưởng sẽ giảm… Nó thực sự là một bối cảnh rất xấu của ngày hôm nay, nó là một điều rất đáng quan ngại”, ông nói.

“Tại sao bạn đầu tư? Bạn đầu tư để sản xuất, để bán, để có được lợi nhuận hợp lý. Nhưng nếu bạn không biết liệu bạn sẽ có quyền truy cập vào thị trường hay không, bạn không biết sẽ phải đối mặt với mức thuế là bao nhiêu hoặc liệu sẽ có những cản trở nào, thì phản ứng hợp lý nhất mà mọi nhà đầu tư sẽ làm là bạn sẽ dừng lại”, Gurria nói, “Đầu tư là nguồn gốc của tăng trưởng trong tương lai và đây là lý do tại sao, chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã có sự cắt giảm lớn này trong các dự báo tăng trưởng trong tương lai”.