OECD: Triển vọng kinh tế toàn cầu đang cải thiện hơn

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Cú sốc lớn đối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới do Covid-19 có thể “không quá tệ” như các nhà kinh tế quan ngại, theo báo cáo vừa công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Đại dịch Covid-19 khiến các dự báo kinh tế khó chính xác và liên tục phải điều chỉnh. Nguồn: internet
Đại dịch Covid-19 khiến các dự báo kinh tế khó chính xác và liên tục phải điều chỉnh. Nguồn: internet

Suy giảm nhẹ hơn 

Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD công bố hôm thứ Tư, mặc dù sự sụt giảm của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn là "chưa từng có trong lịch sử gần đây", nhưng triển vọng đã có dấu hiệu cải thiện nhẹ kể từ tháng 6/2020. OECD dự kiến nền kinh tế thế giới sẽ ở mức âm 4,5% vào năm 2020 tăng trưởng dương trở lại ở mức 5% vào năm 2021. Trong dự báo trước đó, OECD nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ ở mức âm 6% trong năm nay và tăng trưởng dương 5,2% vào năm tới.

Nhưng theo tổ chức đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới này, dự báo số liệu chung tích cực hơn nhưng “cấu phần” bên trong lại có sự khác biệt lớn. Cụ thể, trong khi tăng đáng kể dự báo năm 2020 đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc và nâng nhẹ triển vọng với khu vực châu Âu, song OECD đã hạ kỳ vọng đối với các nền kinh tế đang phát triển lớn như: Mexico, Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia và Ả Rập Saudi. Các nhà kinh tế của OECD cho biết, điều chỉnh hạ triển vọng với các nền kinh tế này phản ánh "sự lây lan kéo dài của Covid-19, mức độ nghèo đói cao và các biện pháp chặt chẽ để đối phó với Covid-19 sẽ phải tiếp tục duy trì trong một thời gian dài hơn dự kiến".

Dự báo cho thấy, Trung Quốc là nền kinh tế G20 duy nhất có GDP dự kiến tăng trưởng dương (ở mức 1,8%) vào năm 2020, trong khi GDP của Mỹ dù thu hẹp nhưng chỉ ở mức giảm 3,8% và khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng cải thiện hơn chút xíu, ở mức giảm 7,9%.

Hôm thứ Ba, Bắc Kinh thông báo doanh số bán lẻ trong tháng 8 cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái - đánh dấu lần đầu tiên doanh số bán lẻ tăng trong năm nay. OECD lưu ý về nền kinh tế Trung Quốc là thời điểm bùng phát Covid-19 sớm hơn và khả năng kiểm soát được dịch nhanh chóng, cũng như các chính sách mở đường cho hoạt động phục hồi, đặc biệt là đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, kinh tế Nam Phi có thể suy giảm tới 11,5% trong năm nay. Các nền kinh tế Mexico và Ấn Độ đều có khả năng suy giảm ở mức 10,2%. Các mức này thậm chí còn tồi tệ hơn so với dự báo với nhiều nền kinh tế đã phát triển, ngoại trừ Italia - dự báo tăng trưởng âm 10,5% do chịu ảnh hưởng quá nặng nề bởi virus.

Sự bất định vẫn ở mức cao

Tuy nhiên OECD cũng nhấn mạnh triển vọng đưa ra cũng không dễ đạt được và phụ thuộc rất lớn vào thực tế diễn biến quỹ đạo của Covid-19 cũng như khả năng hỗ trợ liên tục từ các chính phủ để đối phó và kiểm soát dịch. "Sự phục hồi hiện đang diễn ra sau khi nhiều nền kinh tế đã nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và hoạt động kinh doanh được mở trở lại. Nhưng mức độ không chắc chắn vẫn cao và niềm tin còn khá mong manh", tổ chức này cho biết trong báo cáo của mình.

Bên cạnh đó, một số ước tính của OECD cũng dựa trên các giả định chính sách mà có thể sẽ không thành hiện thực. Đơn cử OECD giả định rằng, Vương quốc Anh sẽ sớm đạt được một hiệp định thương mại tự do "cơ bản" cho giai thương hàng hóa với EU và với giả định đó, dự kiến kinh tế Anh sẽ chỉ suy giảm ở mức 10,1% trong năm nay, một sự cải thiện nhẹ so với ước tính trước đó. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về FTA Anh - EU hoàn toàn có thể bị phá vỡ bởi một dự luật gây tranh cãi do chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đưa ra và điều đó sẽ phá vỡ các điều khoản của thỏa thuận “ly hôn” của hai bên trước đó.

Một ví dụ khác là OECD cũng đang tin tưởng các nhà lập pháp Mỹ sẽ thông qua một gói kích thích kinh tế khác trị giá lên tới 1,5 nghìn tỷ USD vào mùa thu này, mặc dù thực tế cho đến nay thì các cuộc đàm phán vẫn bế tắc. Việc đạt được một gói hỗ trợ như vậy có thể khó khăn hơn trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 đang đến gần.

Dự đoán của OECD về sự phục hồi kinh tế toàn cầu vào năm 2021 trong bản cập nhật mới nhất là 5%, thấp hơn một chút so với dự báo trước đó vào tháng 6 (5,2%). Các nhà kinh tế của OECD cho rằng, chặng đường phục hồi sẽ dài hơn.

"Ở hầu hết các nền kinh tế, GDP vào cuối năm 2021 được dự báo sẽ duy trì dưới mức của năm 2019 và thấp hơn đáng kể so với các dự báo trước đại dịch, càng làm nổi lên nguy cơ chi phí khắc phục đại dịch sẽ lớn và kéo dài hơn", báo cáo cho biết.