OPEC+ khó có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa

Theo H.Thủy/bnews.vn

Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng, do liên minh các nước sản xuất trong và ngoài OPEC thành lập, dự kiến sẽ bàn thảo về các mục tiêu mới trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

OPEC+ khó có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa.
OPEC+ khó có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa.

Theo các nguồn tin thân cận, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC), do liên minh các nước sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thành lập, dự kiến sẽ bàn thảo về các mục tiêu mới trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước này vào ngày 12/9 tới.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng rất khó để JMMC cắt giảm sản lượng sâu hơn nữa. Họ nhận định một động thái như vậy sẽ khó có thể củng cố giá dầu thô vốn đã bị “sứt mẻ” nặng nề bởi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Dự kiến, JMMC sẽ nhóm họp vào thứ Năm tuần này (12/9) tại Abu Dhabi, Thủ đô của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), để đánh giá tình hình thị trường dầu mỏ.

Mặc dù không có trong chương trình nghị sự, nhiều khả năng JMMC sẽ bàn thảo về một mục tiêu mới cho kế hoạch cắt giảm sản lượng giữa các nước thành viên OPEC cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là OPEC+).

Trong những bình luận đầu tiên kể từ khi được bổ nhiệm vào ngày 8/9, Bộ trưởng Năng lượng mới của Saudi Arabia (A-rập Xê-út) - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman - cho biết không có thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Saudi Arabia với kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tân Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia ủng hộ việc cắt giảm sản lượng hơn nữa để cân bằng lại thị trường dầu thô.

Trả lời phỏng vấn báo giới bên lề Hội nghị Năng lượng Thế giới, ông Salman nói rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ có lợi cho tất cả các thành viên của OPEC.

Ngoài ra, ông Salman bày tỏ quan điểm rằng ông không tin nhu cầu năng lượng thế giới đã chậm lại. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cũng cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện một khi tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được giải quyết.

Song các Bộ trưởng Dầu mỏ của Oman và Iraq trước đó đã nói với các phóng viên ở Abu Dhabi rằng, còn quá sớm để đánh giá liệu có cần phải cắt giảm sản lượng sâu hơn để hỗ trợ thị trường dầu mỏ vào thời điểm có những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) Suheil al-Mazrouei ngày 8/9 cũng cho biết các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để tái cân bằng thị trường dầu mỏ.

Nhưng ông Suheil al-Mazrouei cũng thừa nhận rằng việc cắt giảm sản lượng hơn nữa có thể không phải là cách tốt nhất để hỗ trợ giá dầu đang trên đà lao dốc.

Giới quan sát cũng đồng tình với nhận định trên. Họ chỉ ra rằng dù việc cắt giảm sản lượng có thể hỗ trợ giá vàng đen, nó cũng đồng nghĩa là các nhà sản xuất OPEC+ mất nhiều thị phần hơn.

Những động thái cắt giảm nguồn cung trước đây hầu hết đã thành công trong việc đẩy giá dầu tăng lên. Nhưng lần này, thị trường đã tiếp tục trượt dốc - ngay cả sau khi OPEC+ hồi tháng 6/2019 đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày thêm chín tháng nữa.

Theo giới quan sát, yếu tố quan trọng cần được cân nhắc tại cuộc họp của JMMC là bối cảnh thị trường.

Trong lần cắt giảm sản lượng hồi tháng 12/2018, quyết định của OPEC+ dựa trên đánh giá rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chững lại và sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, yếu tố ảnh hưởng lên thị trường là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, với những đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và qua đó giảm nhu cầu về dầu thô.