Pháp đưa ra phương án ứng phó với kịch bản thiếu hụt năng lượng

Theo Như Ý/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, Pháp cần có phương án chuẩn bị để ứng phó với kịch bản thiếu hụt năng lượng vào mùa Thu này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, hiện đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã dừng vận hành để bảo trì, theo đó dòng khí đốt qua đường ống này dự kiến ngừng trong 10 ngày. Nhà điều hành hệ thống đường ống trên Nord Stream AG cho biết, việc bảo trì hệ thống đường ống dẫn khí đốt được thực hiện theo định kỳ hằng năm. Thời gian bảo trì dự kiến kéo dài đến ngày 21/7 tới. Hiện nay, Đức, Pháp cũng như một số nước châu Âu lo ngại Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì để hạn chế nguồn cung khí đốt cho khu vực. Song, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ các ý kiến này và khẳng định việc tạm dừng vận hành là công việc định kỳ đã được lên kế hoạch từ trước.

Trước việc bảo trì này, Pháp sẽ đối mặt với thời tiết mùa hè và đầu mùa thu rất khó khăn, khi không có khí đốt từ Nga và Pháp sẽ cần có sự chuẩn bị cần thiết. Hiện Pháp đang nỗ lực huy động nguồn cung khí đốt từ Na Uy, Qatar, Algeria và Mỹ, đồng thời sẽ tích lũy dự trữ khí đốt lên gần 100% vào mùa thu. Tổng thống Pháp lưu ý rằng việc sử dụng năng lượng của Pháp đã giảm đi một chút so với một năm trước đó, đồng thời kêu gọi chính phủ, người tiêu dùng và ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng, cũng như loại bỏ các nguồn lãng phí năng lượng.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, việc sử dụng ít năng lượng hơn là một điều tốt cho khí hậu, và cho sự độc lập về năng lượng của chúng ta. Ngoài ra, Tổng thống Emmanuel Macron cũng xác nhận rằng, Pháp sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, hiện đang đáp ứng khoảng 70% nhu cầu điện của đất nước, và khẳng định rằng, năng lượng hạt nhân là một giải pháp bền vững cho cả Pháp cũng như các quốc gia khác. Ủy ban châu Âu đã đề xuất với các nước EU một thỏa thuận với Azerbaijan để tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và hỗ trợ mở rộng đường ống để thực hiện điều này.

Ở một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất với các nước EU một thỏa thuận với Azerbaijan để tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và hỗ trợ mở rộng đường ống để thực hiện điều này. Theo đó, các bên mong muốn hỗ trợ thương mại khí đốt tự nhiên song phương, bao gồm thông qua xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, thông qua Hành lang khí đốt phía Nam, ít nhất 20 tỷ mét khối khí hằng năm vào năm 2027, phù hợp với khả năng thương mại và nhu cầu thị trường.

Các quan chức cấp cao của EC và đại diện chính phủ Azerbaijan đã gặp nhau và thảo luận về các vấn đề năng lượng theo Biên bản ghi nhớ về năng lượng giữa EU - Azerbaijan (MoU). Trong bối cảnh thách thức năng lượng toàn cầu ngày càng gia tăng, mối quan hệ năng lượng song phương ổn định và hợp tác giữa EU và Azerbaijan là nhân tố chính góp phần tạo ra nguồn cung khí đốt cạnh tranh, đa dạng và an toàn.