Quan chức Mỹ sắp sang Trung Quốc đàm phán thương mại

Theo Anh Huy/vneconomy.vn - Tựa bài do DNSG Online đặt lại

Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer sẽ tới Trung Quốc vào thứ hai tuần tới để có vòng thảo luận trực tiếp cấp cao đầu tiên từ khi đàm phán thương mại song phương rơi vào bế tắc hồi đầu tháng 5/2019, theo hãng tin Bloomberg.

 Hai nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc: Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizerr (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Hai nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc: Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizerr (trái) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng, ông Lighthizer và một nhóm quan chức Mỹ sẽ lưu lại Thượng Hải đến hết ngày thứ tư. Cuộc gặp lần này sẽ bàn về các vấn đề lớn mà hai bên còn bất đồng, nhưng được dự báo sẽ không mang lại bước đột phá nào - nguồn tin nói.

Trong cuộc gặp ở Nhật Bản hồi cuối tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí hòa hoãn để có thời gian đàm phán, tiến tới kết thúc cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh, các nhà đàm phán thương mại cấp cao của hai nước mới chỉ thảo luận qua điện thoại chứ chưa gặp trực tiếp. Bởi vậy, vòng đàm phán sắp diễn ra ở Thượng Hải được giới quan sát nhìn nhận là một diễn biến tích cực dù kỳ vọng không lớn.

Nguồn tin là một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết phía Trung Quốc đề xuất tới Thượng Hải để đàm phán, thay vì Bắc Kinh. Trước cuộc gặp, giới chức Mỹ tỏ ra dè dặt về khả năng nhanh chóng đạt một thỏa thuận với Trung Quốc.

"Không thể đánh giá sẽ mất bao lâu mới đạt thỏa thuận, khi mà mục tiêu của Tổng thống là đạt một thỏa thuận tốt, hoặc tiếp tục áp thêm thuế quan", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg.

"Điều quan trọng là nếu chúng tôi đạt thỏa thuận, đó phải là một thỏa thuận thực sự tốt. Đó là mục tiêu cao nhất của Tổng thống, và điều này quan trọng hơn nhiều so với việc lúc nào thì đạt thỏa thuận", ông Ross nhấn mạnh.

Bàn đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang ngổn ngang bất đồng về những vấn đề quan trọng, bao gồm yêu cầu của Mỹ về cải tổ cơ cấu nền kinh tế và đòi hỏi của Trung Quốc về việc Mỹ phải dỡ thuế quan bổ sung hiện đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Các cuộc thảo luận giữa hai bên trong những tuần gần đây tập trung vào vấn đề Huawei và mua hàng hóa nông sản, trong khi thiếu sự cam kết trong những vấn đề cơ cấu mà Mỹ muốn được giải quyết trong bất kỳ thỏa thuận nào.

Nguồn thạo tin cho biết nội dung của cuộc gặp tuần tới có thể sẽ rất chung chung, chứ không đi vào thực chất từng vấn đề cụ thể. Hiện cũng chưa thể xác định đây có phải là điểm khởi đầu cho các vòng đàm phán sâu hơn hay không, theo nguồn tin.

Hồi tháng 5/2019, đàm phán đổ vỡ do Mỹ và Trung Quốc bất đồng về các điều khoản trong một dự thảo thỏa thuận. Cuộc gặp tuần tới sẽ là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn tham gia vào nhóm các nhà đàm phán chủ chốt của nước này. Cho tới nay, Phó thủ tướng Lưu Hạc vẫn là người đứng đầu bên phía Trung Quốc trong đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Chung được xem là một người có quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với ông Lưu.