Tại sao cuộc chiến thuế quan đe dọa tham vọng toàn cầu của Trung Quốc?

Theo Hoàng An/nhadautu.vn

Cuộc chiến thuế quan với chính quyền của ông Trump leo thang đang đe dọa tham vọng của Bắc Kinh trong việc biến nước này thành một tay chơi quan trọng trong làng công nghệ toàn cầu, hãng tin AP phân tích.

Hoa Kỳ là một khách hàng và nguồn công nghệ quan trọng cho các nhà sản xuất điện tử, thiết bị y tế và xuất khẩu công nghệ cao khác của Trung Quốc - những ngành công nghiệp mà lãnh đạo Trung Quốc luôn coi là trái tim của kinh tế trong tương lai.

_0 00 iphone AP

Một khách hàng Trung Quốc đang nhìn vào chiếc iphone ngay trước cửa hàng bán sản phẩm Apple tại Bắc Kinh. Ảnh AP

Tuy nhiên, đối với chính quyền của ông Trump, các ngành công nghệ mới của Trung Quốc là một mối đe dọa đối với vị trí lãnh đạo công nghiệp của Mỹ trên toàn cầu.

Bắc Kinh đã cố để giữ cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định trong quý gần đây nhất mặc dù xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm. Để làm được như vậy, Trung Quốc sử dụng cách tăng chi tiêu chính phủ và cho vay ngân hàng. Nhưng các nhà xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đã bị giảm doanh số tới mức khổng lồ, lên tới mức 40% và ăn cả vào lợi nhuận lẽ ra phải trả cho việc nghiên cứu công nghệ.

Cuộc chiến thuế quan đang làm tăng thêm nỗi đau của nhiều công ty Trung Quốc. Hoa Kỳ và Châu Âu vốn đã rất cứng rắn đối với việc Trung Quốc mua lại công nghệ thông qua hình thức liên doanh với các công ty nước ngoài hoặc, với sự tài trợ của các ngân hàng nhà nước, mua đứt các công ty sở hữu công nghệ đó.

_0 00 a xedienTQ

Tại Thâm Quyến, hơn 99% số xe taxi ở đây đã chạy điện cho thấy công nghệ sản xuất ô tô điện tại Trung Quốc đang có những tiến bộ vượt bậc. Ảnh AP

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng châu Á của IHS Markit, cho biết Trung Quốc giờ đây có thể phải đi theo "con đường khó khăn" hơn để phát triển công nghệ của riêng mình, vì các công ty của nước này ít được tiếp cận với các đối tác cũng như các bí quyết của nước ngoài hơn.

"Đây có thể là một con đường chậm hơn", Biswas nói.

Chính phủ Trung Quốc và các công ty đang rót hàng tỷ đô la vào nghiên cứu. Huawei, gã khổng lồ thiết bị viễn thông và cũng là thương hiệu công nghệ toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, đã chi 15 tỷ USD vào năm ngoái, nhiều hơn cả Apple Inc, cho nghiên cứu.

Tất cả những điều này đã giúp Trung Quốc trở thành một đối thủ nặng ký mới nổi trong lĩnh vực viễn thông, trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và các chính phủ khác phàn nàn rằng Bắc Kinh đã làm được như vậy một phần bằng cách đánh cắp công nghệ hoặc gây áp lực cho các công ty nước ngoài để buộc họ phải trao các bí mật thương mại.

_0 00 danhcapcongnghe

Không chỉ Mỹ mà cả châu Âu và Nhật Bản đều phàn nàn trước các hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc. Ảnh chụp từ You Tube

Washington đang thúc ép Bắc Kinh đẩy lùi các kế hoạch tạo ra các đối thủ cạnh tranh toàn cầu về robot, xe điện, trí tuệ nhân tạo và một loạt các công nghệ mới nổi. Các đối tác thương mại của Bắc Kinh cho rằng các kế hoạch như vậy vi phạm các cam kết tiếp tục mở rộng thị trường tiêu dùng và kinh doanh của Trung Quốc.

Cuộc chiến bao gồm việc thách thức chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách đe dọa trì hoãn hoặc phá vỡ các kế hoạch kinh tế của nước này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn nhượng bộ, họ cần các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn để đảm bảo mức thu nhập gia tăng. Nhiều nhà sản xuất hàng dệt may, da giày và đồ chơi đã di chuyển sang Việt Nam, Campuchia và các nền kinh tế có chi phí thấp hơn.

Lãnh đạo Trung Quốc phản ứng với suy thoái kinh tế năm ngoái bằng cách đẩy mạnh chi tiêu và cho vay. Nỗ lực đó đã đảo ngược một chiến dịch nhằm kiềm chế sự phụ thuộc vào nợ, vốn tăng quá cao đến mức các cơ quan xếp hạng đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của Trung Quốc đối với các khoản vay của chính phủ.

_0 00 beltandroadXi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Vành đai-Con đường lần 2 mới diễn ra ở Bắc Kinh. Ảnh DPA

Ở nước ngoài, ông Tập Cận Bình buộc phải rà soát lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường cho việc xây dựng đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác trị giá hàng tỷ đô la của mình. Trước phản ứng của một số quốc gia cho rằng việc tham gia sáng kiến này khiến họ bị ngập vào nợ nần, Chính phủ Trung Quốc đã đồng ý xóa một số khoản vay và đàm phán lại hợp đồng.

Cuộc chiến thuế quan bùng phát sau nhiều năm Mỹ chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc và bởi các than phiền của Chính quyền Trump và nhiều chuyên gia thương mại độc lập rằng Bắc Kinh đang có những cách thực hành theo lối cướp bóc và phi pháp, bao gồm cả các hành vi trộm cắp công nghệ. Các hình phạt đầu tiên của Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc, những thứ mà các quan chức Mỹ cho rằng được hưởng lợi nhờ sự hỗ trợ không chính đáng từ Bắc Kinh.

Tác động của cuộc chiến lan rộng khi Tổng thống Donald Trump mở rộng việc tăng thuế đối với các nhà xuất khẩu túi xách, đồ nội thất và hàng hóa khác của Trung Quốc. Những loại thuế nhập khẩu cao hơn làm tăng nguy cơ mất việc làm - một rủi ro chính trị cho các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, vốn có được quyền lực hiện nay nhờ một phần không nhỏ từ việc quản lý thành công ba thập kỷ bùng nổ tăng trưởng kinh tế.

_0 00 Donald_Trump_AP

Thứ Sáu, ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Trump đã quyết định tăng tiếp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh AP

Nhìn bề ngoài, tác động của việc tăng thuế quan từ hôm Thứ Sáu tuần trước của Hoa Kỳ có vẻ là tương đối khiêm tốn, ông Brian Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng của Fitch Ratings cho biết trong một báo cáo. Nhưng nếu ông Trump tiếp tục tăng thuế quan 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thì đó sẽ là mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, ông Coulton nói.

Ông cũng nói thêm rằng việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu sẽ dẫn tới những lo ngại của thị trường tài chính về rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu.

Zhang Lifang, một nhà bình luận chính trị độc lập ở Bắc Kinh cho biết, vị trí cá nhân của ông Tập Cận Bình đã bị tổn thương do mức tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc vào năm ngoái.

"Tôi nghĩ cả hai điều này: kinh tế và chính trị đều đã khiến ông ấy rất căng thẳng", nhà bình luận nói.

Hoa Kỳ và Châu Âu đã gia tăng chi phí và sự phức tạp cho việc mua lại công nghệ nước ngoài đối với Trung Quốc hoặc thậm chí ngăn chặn hoàn toàn việc này.

_0 00 circuit-board-china

Vào 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối thông qua thương vụ mua lại nhà sản xuất chip bán dẫn Lattice Semiconductor, do một quỹ của chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau. Ảnh AVXJ

Vào tháng 10, Liên minh châu Âu đã phê duyệt các quy tắc đầu tiên của khối thương mại này về đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm. Điều này diễn ra sau khi những lời chỉ trích việc Trung Quốc mua các nhà cung cấp công nghệ châu Âu, vốn được coi là tài sản quốc gia quan trọng của nhiều nước châu Âu, trong đó có cả nhà sản xuất robot Kuka của nước Đức. Trung Quốc cũng đã mua cả hãng xe Thụy Điển Volvo Cars, nhà cung cấp công nghệ nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta và IBM Corp, bộ phận kinh doanh máy chủ cấp thấp của Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối thông qua thương vụ mua lại nhà sản xuất chip bán dẫn Lattice Semiconductor, do một quỹ của chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau.

Các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng và hàng hóa nước ngoài khác đang chuyển các khoản đầu tư sang Đông Nam Á để cắt giảm chi phí, do đó ảnh hưởng tới thị trường của các nhà cung cấp phụ tùng Trung Quốc và bào mòn doanh thu của họ, vốn được tính sử dụng nhằm phát triển công nghệ.

_0 00 dientulaprap

Để giảm chi phí và tránh rủi ro, nhiều nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng đã chuyển nhà máy sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ảnh KTĐT

Lãnh đạo các công ty đa quốc gia, và kể cả các công ty Trung Quốc, có thể quyết định họ có nhiều khả năng cần phải chuyển sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, ông Bis Biswas nói.

Sự thay đổi đó, được gia tốc bởi áp lực từ cuộc chiến thuế quan của Hoa Kỳ, hứa hẹn một cơn gió tiềm năng mới cho các nền kinh tế châu Á khác.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể giúp chính phủ của bà thu hút các nhà sản xuất từ đại lục chuyển đến để tìm kiếm chi phí thấp hơn.

"Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy các doanh nhân Đài Loan quay trở lại để xây dựng chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao và khuyến khích các ngành công nghiệp tự thay đổi và nâng cấp lên một trình độ mới", bà nói.