Tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự kiến đạt 6,0%

Theo Nguyễn Hường/congthuong.vn

Theo nhận định của cuốn “Vượt qua trở ngại” - Ấn phẩm tháng 4/2019 về Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ra mắt ngày 24/4, mặc dù những bất định về chính sách thương mại đã phần nào giảm bớt, nhưng tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ còn khiêm tốn.

Tăng trưởng chững lại

Theo Báo cáo này, tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự báo sẽ đạt mức 6,0% trong năm 2019 và 2020, giảm nhẹ so với mức 6,3% năm 2018, chủ yếu do khó khăn quy mô toàn cầu và việc nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại do can thiệp chính sách.

Mặc dù vậy, các nền kinh tế trong khu vực đã vượt qua những biến động thị trường tài chính trong năm 2018 tương đối tốt, chủ yếu nhờ khung chính sách hiệu quả và các yếu tố nền tảng tích cực, bao gồm nền kinh tế đa dạng, tỷ giá linh hoạt, và dư địa chính sách vững chắc. Sức cầu nội địa còn mạnh ở hầu hết các nước trong khu vực phần nào bù đắp những ảnh hưởng của việc xuất khẩu bị chững lại.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nhận định: “Tăng trưởng kinh tế vững chắc tại khu vực tiếp tục làm giảm tỷ lệ nghèo, hiện đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Trên thực tế, chúng tôi kỳ vọng đến năm 2021, tỉ lệ nghèo cùng cực sẽ giảm xuống dưới 3%”. Tuy nhiên, nửa triệu người dân trong khu vực vẫn chưa được đảm bảo an ninh kinh tế, và đang gặp rủi ro tái nghèo - đó là lời nhắc nhở quan trọng về quy mô của những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt”.

Cũng theo Báo cáo này, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc do can thiệp chính sách, với tốc độ tăng trưởng 6,2% trong các năm 2019 và 2020 so với 6,6% năm 2018. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng tại Indonesia và Malaysia vẫn không thay đổi trong năm 2019, còn tốc độ tăng trưởng ở Thái Lan và Việt Nam có thể chững nhẹ trong năm 2019. Tại Philippines, chậm trễ trong việc phê duyệt ngân sách năm 2019 của chính phủ dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP năm 2019, nhưng tăng trưởng của quốc gia này sẽ nhích lên theo dự báo cho năm 2020.

Triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế nhỏ trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn thuận lợi. Các dự án hạ tầng lớn dự kiến sẽ giúp tăng trưởng tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Mông Cổ được gia tốc. Tăng trưởng tại Campuchia vẫn đứng vững theo dự báo, mặc dù tốc độ có thể giảm nhẹ so với năm 2019, chủ yếu do sức cầu bên ngoài sẽ yếu hơn so với dự kiến. Chính sách tài khóa nới lỏng ở Myanmar dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng của họ trong ngắn hạn, đồng thời những cải cách cơ cấu gần đây sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn. Tăng trưởng năm 2019 tại Papua New Guinea dự kiến sẽ nhích dần khi nền kinh tế khôi phục sau trận động đất thảm họa năm 2019. Tăng trưởng ở Fiji tiếp tục đi lên theo dự báo, trong điều kiện các nỗ lực tái thiết sau trận bão nhiệt đới đã ổn định khi gần đến thời điểm hoàn công.

Chủ động ứng phó

Theo ông Andrew Mason, Quyền chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, mặc dù triển vọng kinh tế của Đông Á và Thái Bình Dương cơ bản vẫn tích cực, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là khu vực phải tiếp tục đối mặt với những áp lực lớn bắt nguồn từ năm 2018, hiện vẫn để lại nhiều tác động bất lợi. Tình trạng bất định vẫn tiếp diễn do nhiều nguyên nhân, kể cả do các nền kinh tế phát triển tiếp tục giảm tốc, khả năng nền kinh tế Trung Quốc suy giảm diễn ra nhanh hơn dự kiến, và căng thẳng thương mại chưa được giải quyết. Những trở ngại đang diễn ra như trên cần được chủ động quản lý”- ông nhấn mạnh.

Để đối mặt với rủi ro hiện hữu, báo cáo nêu cụ thể các cách ứng phó cho trước mắt và trong trung hạn. Trước mắt, báo cáo kêu gọi củng cố lại dư địa đã suy giảm, bao gồm khôi phục nguồn dự trữ ngoại hối đã được dùng đến để xử lý biến động tỷ giá năm 2018. Chính sách tiền tệ cũng cần được điều chỉnh để trở nên trung lập hơn khi rủi ro về dòng vốn tháo chạy đã giảm xuống.

Báo cáo còn chỉ ra tầm quan trọng của việc tiếp tục những cải cách cơ cấu trong trung hạn – nhằm nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tốt hơn cho khu vực tư nhân, và tăng cường nguồn nhân lực của quốc gia.

Một số rủi ro tăng lên cũng cho thấy nhu cầu cần tiếp tục đầu tư cho các chương trình an sinh và bảo hiểm xã hội để phòng vệ cho những người dễ tổn thương nhất, báo cáo cho biết. Ngày nay, phạm vi an sinh xã hội dành cho hai mươi phần trăm dân số nghèo nhất ở các quốc gia đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương đang ở mức thấp nhất so với bất kỳ khu vực đang phát triển nào khác.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo bền vững nợ ở các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua cải thiện về quản lý nợ, chất lượng chi tiêu, và nâng cao dư địa tài khóa. Mặc dù nợ công ở các nước đó vẫn tương đối thấp, nhưng các yếu tố mang tính cấu trúc như triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn còn khiêm tốn, nguy cơ cao về thiên tai, chi phí cao cho hạ tầng và các dịch vụ sự nghiệp, khiến cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương đang gặp rủi ro cao về căng thẳng nợ.