Tăng trưởng tiền lương toàn cầu thấp nhất trong 10 năm qua

Theo Hải Đăng/nhadautu.vn

Báo cáo mới nhất về Tiền lương Toàn cầu của ILO cho thấy tăng trưởng tiền lương toàn cầu ở mức thấp trong khi chênh lệch lương theo giới vẫn tiếp tục ở mức quá cao, 20%, trên toàn cầu.

 Trong vòng 20 năm qua, tiền lương thực tế trung bình đã tăng gần gấp ba lần ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển thuộc G20, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9% ở các quốc gia G20 phát triển. Nguồn: internet
Trong vòng 20 năm qua, tiền lương thực tế trung bình đã tăng gần gấp ba lần ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển thuộc G20, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9% ở các quốc gia G20 phát triển. Nguồn: internet

Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tăng trưởng tiền lương toàn cầu năm 2017 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2018, thấp hơn nhiều so với các mức tăng trưởng tiền lương trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2018/2019 cho thấy mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) đã sụt giảm từ 2,4% (năm 2016) xuống còn 1,8% (năm 2017). Kết quả này được công bố trên cơ sở dữ liệu thu thập được từ 136 quốc gia.

Khi phân tích về tăng trưởng tiền lương, báo cáo chỉ ra rằng tăng trưởng tiền lương thực tế của các quốc gia phát triển trong nhóm G20 đã giảm từ 0,9% năm 2016 xuống còn 0,4% năm 2017.

Ngược lại, ở các quốc gia đang phát triển và mới nổi thuộc G20, tăng trưởng tiền lương thực tế dao động trong khoảng 4,9% năm 2016 và 4,3% năm 2017.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Điều khó hiểu là ở các nền kinh tế có thu nhập cao, chúng ta thấy khi tăng trưởng GDP khôi phục và mức thất nghiệp giảm, tăng trưởng tiền lương lại chậm lại. Và có những dấu hiệu sớm cho thấy tình trạng tăng trưởng tiền lương chậm vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018". 

“Mức lương chững lại như vậy là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế và tăng mức sống. Cùng với các đối tác xã hội, các quốc gia cần tìm hiểu các cách thức để đạt được tăng trưởng tiền lương bền vững về mặt xã hội và kinh tế”, Guy Ryder nhấn mạnh.

Báo cáo cho thấy trong vòng 20 năm qua, tiền lương thực tế trung bình đã tăng gần gấp ba lần ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển thuộc G20, trong khi tốc độ tăng trưởng tiền lương chỉ đạt 9% ở các quốc gia G20 phát triển.

Tuy nhiên, ở nhiều nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bất bình đẳng về tiền lương vẫn duy trì ở mức cao và tiền lương thường không đủ để trang trải nhu cầu của người lao động và gia đình họ.

Chênh lệch lương theo giới: Nữ giới vẫn thấp hơn nam giới 20%

Báo cáo tính toán chênh lệch lương theo giới theo những cách sáng tạo và chính xác hơn, sử dụng dữ liệu từ khoảng 70 quốc gia và khoảng 80% lao động hưởng lương trên toàn thế giới. Báo cáo cho thấy phụ nữ tiếp tục bị trả lương thấp hơn nam giới khoảng 20% trên toàn cầu.

Ông Guy Ryder cho biết: “Chênh lệch lương theo giới là một trong những biểu hiện rõ nhất của bất bình đẳng xã hội và tất cả các quốc gia cần cố gắng hiểu rõ hơn những vấn đề tiềm ẩn của những biểu hiện này và đẩy mạnh tiến bộ hướng tới bình đẳng giới”.

Báo cáo cho thấy ở các quốc gia có thu nhập cao, chênh lệch tiền lương theo giới lớn hơn trong nhóm người lao động được trả lương cao nhất. Trong khi đó, ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chênh lệch tiền lương theo giới lại lớn hơn ở nhóm lao động được trả lương thấp hơn.

Với việc sử dụng những bằng chứng thực tiễn, báo cáo cũng chỉ ra rằng những cách lý giải truyền thống như sự khác biệt về trình độ học vấn giữa nam giới và phụ nữ làm những công việc được trả lương, chỉ đóng vai trò hạn chế trong việc giải thích tình trạng chênh lệch tiền lương theo giới.

“Ở nhiều quốc gia, phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nam giới vẫn hưởng mức lương thấp hơn, kể cả khi họ làm cùng ngành nghề”, bà Rosalia Vazquez-Alvarez, chuyên gia kinh tế và tiền lương của ILO, là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.

Theo bà Rosalia Vazquez-Alvarez, tiền lương của cả phụ nữ và nam giới cũng có xu hướng thấp hơn ở các doanh nghiệp và ngành nghề có đông lao động nữ. Để giảm chênh lệch tiền lương theo giới, cần phải chú trọng hơn tới việc đảm bảo trả lương bình đẳng cho phụ nữ và nam giới và giải quyết tình trạng đánh giá thấp công việc của phụ nữ”.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chênh lệch tiền lương theo giới là vai trò làm mẹ. Báo cáo cho thấy những người mẹ thường có xu hướng được hưởng mức lương thấp hơn so với những người không làm mẹ. Điều này có thể liên quan đến một loạt các yếu tố trong đó có sự gián đoạn thị trường lao động, giảm giờ làm việc, làm các công việc phù hợp với gia đình hơn nhưng mức lương thấp hơn hay những quyết định thăng cấp mang tính dập khuôn ở cấp doanh nghiệp.

Theo báo cáo này, sự phân công trách nhiệm gia đình công bằng hơn giữa phụ nữ và nam giới trong nhiều trường hợp có thể khiến phụ nữ lựa chọn nghề nghiệp khác đi.

Đáng ngạc nhiên là, bằng chứng cho thấy đã tồn tại chênh lệch tiền lương thậm chí trước cả khi phụ nữ có con. Điều này cho thấy cần thiết phải đấu tranh loại bỏ định kiến và phân biệt đối xử tại thời điểm bắt đầu gia nhập thị trường lao động.