Tập đoàn Trung Quốc Baowu trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn/Nikkei Asia

Baowu đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới - doanh nghiệp đầu tiên vượt ArcelorMittal trong 19 năm và là tập đoàn Trung Quốc đầu tiên đạt được vị trí này.

Mặc dù Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất thép, 2020 là năm đầu tiên chứng kiến một doanh nghiệp Trung Quốc bước lên vị trí số 1. Ảnh: Reuters
Mặc dù Trung Quốc dẫn đầu thế giới về sản xuất thép, 2020 là năm đầu tiên chứng kiến một doanh nghiệp Trung Quốc bước lên vị trí số 1. Ảnh: Reuters

Các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã trải qua quá trình tái cơ cấu căn bản để hạn chế tình trạng dư thừa công suất ngay cả khi nhu cầu trong nước vẫn mạnh.

Bảy trong 10 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới hiện là doanh nghiệp Trung Quốc, đưa nước này lên vị thế một cường quốc về thép, vượt lên trên những lãnh đạo ngành kỳ cựu như Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô của Baowu tăng 21% lên 115,29 triệu tấn năm 2020, một phần nhờ vào việc mua lại công ty “đồng hương” Taiyuan Iron & Steel (Group).

Các tập đoàn HBIS và Jiangsu Shagang của Trung Quốc cũng leo lên vị trí thứ ba và thứ tư năm 2020, từ vị trí thứ tư và thứ sáu năm 2019.

Bên cạnh nỗ lực tái cơ cấu để tăng quy mô, năm ngoái các doanh nghiệp Trung Quốc đã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sớm của Trung Quốc từ đại dịch. Sản lượng thép thô hàng tháng của Trung Quốc lập kỷ lục ba lần trong năm ngoái nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh.

Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc có đà tăng trưởng, các đối thủ ở những nước khác vẫn vật vã vì đại dịch. Sản lượng của ArcelorMittal, có trụ sở tại Luxembourg, giảm 19% năm 2020. Đây là lần đầu tiên tập đoàn này hoặc những tập đoàn tiền nhiệm, Arcelor và Mittal Steel, mất vị trí dẫn đầu kể từ năm 2001, khi một thương vụ sáp nhập tạo ra Arcelor được thông qua. Arcelor chính thức được thành lập năm 2002.

Nippon Steel của Nhật Bản rơi từ vị trí thứ ba xuống thứ năm.

Quy mô và nhu cầu nội địa lớn cũng mang lại cho các doanh nghiệp Trung Quốc lợi thế về lợi nhuận. Lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao tại Baoshan Iron & Steel, công ty con của Baowu, là 106,2 USD/tấn. Đây là con số tương đối cao đối với ngành, không kể các công ty có lợi nhuận cao đặc biệt như Posco - công ty đã tối đa hóa hiệu quả bằng cách chỉ còn vận hành hai nhà máy thép.

Nhưng Trung Quốc không phải lúc nào cũng là nước thống trị trong ngành thép. Một trong những doanh nghiệp tiền thân của Nippon Steel đứng đầu danh sách này năm 1990. Lúc đó, tổng cộng có bốn doanh nghiệp Nhật Bản đứng trong top 10.

Thép quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp, từ cơ sở hạ tầng đến ô tô, và là một chỉ báo về động lực kinh tế của một quốc gia.

Theo IHS Markit, Nhật Bản chiếm thị phần hàng đầu trong lĩnh vực đóng tàu, chiếm khoảng 40% đến 50% trong những năm 1980 và 1990, và đạt mức cao nhất 53% năm 1984. Các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản cũng nhanh chóng có được vị thế trên toàn thế giới.

Ngành thép đã trải qua quá trình hợp nhất với nhiều thương vụ lớn những năm 2000, sau khi EU ra đời.

Ba nhà sản xuất thép châu Âu sáp nhập, tạo ra Arcelor vào đầu thập kỷ, trong khi Mittal Steel nổi lên vào năm 2005 sau một thương vụ mua lại.

Sau đó, Mittal mua lại Arcelor, tập đoàn xếp thứ hai, vào năm 2006, tạo nên ArcelorMittal.

ArcelorMittal sản xuất 98,2 triệu tấn thép thô năm 2010, cao hơn gấp đôi so với nhà sản xuất thép lớn thứ hai.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là một bước ngoặt khác của ngành thép thế giới.

Khi các nền kinh tế phát triển yếu đi trong khủng hoảng, buộc ArcelorMittal sa thải nhiều công nhân, các nhà sản xuất thép Trung Quốc lại hưởng lợi từ nhu cầu trong nước tăng vọt từ gói kích thích 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (616 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) của chính phủ.

Sự phát triển nhanh chóng của ngành thép Trung Quốc đã dẫn đến dư thừa công suất, ước tính khoảng 200 triệu tấn năm 2012.

Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh nỗ lực loại bỏ các cơ sở sản xuất không hiệu quả và dư thừa, tập trung vào các tập đoàn lớn do chính phủ sở hữu.

Trọng tâm của việc tái cơ cấu là hợp nhất giữa Baosteel và Wuhan Iron and Steel, tạo ra Baowu. Baowu cũng đưa Magang sáp nhập vào tập đoàn năm 2019.

Trong một diễn biến khác, kế hoạch sáp nhập Ansteel Group và Ben Gang Group đã được tiết lộ vào tháng Tư.

Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về sản lượng thép, chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu với sản lượng 1 tỷ tấn.

Quyết định của các nhà sản xuất thép Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến thị trường sản phẩm thép và nguyên liệu thô thế giới. “Mọi thứ phụ thuộc vào Trung Quốc”, Eiji Hashimoto, chủ tịch Nippon Steel cho biết.

Nhưng “vũ khí” của Trung Quốc không chỉ nằm ở quy mô sản xuất. Tại một số doanh nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn 2% doanh thu.

Chi tiêu cho R&D của Baoshan là 2,6% doanh thu, và tỷ lệ của HBIS là 2,4%. Trong khi đó, con số của các nhà sản xuất thép Nhật Bản và Posco của Hàn Quốc thấp hơn 2%.

Chi tiêu nhiều hơn cho R&D giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có thêm chuyên môn về công nghệ.

Toyota Motor đã đồng ý mua thép tấm điện từ Baowu để sử dụng cho xe điện.

Nhiều quan tâm cũng đang dành cho R&D khử cacbon. Ngành công nghiệp thép Trung Quốc sẽ mở rộng ra nước ngoài.

Thị trường thép trong nước của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt đỉnh trong hai năm tới, khiến các doanh nghiệp nước này phải nắm bắt nhu cầu ở nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ tịch Baowu Chen Derong nói: “Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên của toàn cầu hóa. Chúng tôi cũng sẽ xem xét mua lại các công ty phương Tây”.