Thuế quan leo thang có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại hơn 360 tỷ USD

Theo Bình Minh/vneconomy.vn

Việc Mỹ nâng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, và khả năng có một động thái "ăn miếng trả miếng" từ phía Trung Quốc, đang đặt ra rủi ro lớn đối với nền kinh tế của hai quốc gia và toàn cầu.

Tàu chở hàng rời cảng Oakland ở California. Ảnh: Bloomberg.
Tàu chở hàng rời cảng Oakland ở California. Ảnh: Bloomberg.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump còn dọa sẽ sớm áp mức thuế 25% lên khoảng 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nữa, đồng nghĩa với việc đánh thuế trừng phạt đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Về phần mình, Trung Quốc đã thề sẽ đáp trả tương xứng, dù đến sáng ngày thứ Hai chưa có động thái cụ thể nào được Bắc Kinh công bố.

"Không ai thắng trong chiến tranh thương mại cả, kể cả những nước ngoài cuộc", chuyên gia kinh tế trường Gregory Daco thuộc công ty nghiên cứu Oxford Economics viết trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.

Thiệt hại đối với GDP của Mỹ, Trung Quốc và thế giới theo các kịch bản của chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung - Nguồn: Oxford Economics/MarketWatch.
Thiệt hại đối với GDP của Mỹ, Trung Quốc và thế giới theo các kịch bản của chiến tranh thuế quan Mỹ-Trung - Nguồn: Oxford Economics/MarketWatch.

Trong báo cáo này, ông Daco đã cập nhật triển vọng kinh tế Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu trên cơ sở Mỹ nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, với giả định Bắc Kinh trả đũa bằng cách nâng thuế từ 8% lên 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Theo vị chuyên gia, việc hai nước tăng thuế lên hàng hóa của nhau như vậy sẽ khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 0,3% trong thời gian từ nay đến năm 2020, GDP của Trung Quốc giảm 0,8%, và GDP toàn cầu giảm 0,3% so với trường hợp không áp thuế quan.

Như vậy, tổn hại đối với kinh tế Mỹ là 62 tỷ USD, đối với kinh tế toàn cầu là hơn 360 tỷ USD.

Trong trường hợp Mỹ áp thuế trừng phạt 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và Bắc Kinh đáp trả tương xứng, thì GDP của Mỹ sẽ giảm 0,5% so với trường hợp không áp thuế quan, theo báo cáo. Nếu trừ lạm phát, thì tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ đến cuối năm 2020 chỉ đạt khoảng 1%, một mức thấp nguy hiểm, ông Daco nhấn mạnh.

Cũng trong trường hợp này, GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 1,3%, và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ còn khoảng 5%.

Trong khi đó, GDP toàn cầu sẽ giảm đi khoảng 0,5% so với kịch bản không áp thuế quan.

Trường hợp cực đoan nhất là xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực, đa phương, mà Oxford Economics cho là sẽ bao gồm việc Trung Quốc áp thuế quan 35% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, 25% lên xe hơi từ mọi quốc gia, cộng thêm 10% áp lên mọi hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), Đài Loan và Nhật Bản, đồng thời tất cả các nền kinh tế này đáp trả tương xứng.

Trong kịch bản này, báo cáo cho rằng GDP của Mỹ trong năm 2020 sẽ giảm 2,1% so với trường hợp không áp thuế quan, và nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. GDP của Trung Quốc sẽ giảm 2,5%, trong khi thiệt hại đối với GDP của châu Âu và Nhật Bản sẽ là 1,5%. GDP toàn cầu sẽ giảm 1,7%.

Tác động tiêu cực đến niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và sự lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu trong kịch bản đó sẽ buộc các ngân hàng trung ương mạnh tay hạ lãi suất và thực thi các biện pháp hỗ trợ khác - chuyên gia Daco dự báo.