Thương chiến Nhật - Hàn có thể gây tác động lan tỏa lớn

Theo Minh Thiện/doanhnhansaigon.vn

Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gây ra hiệu ứng lan truyền lớn hơn trên các thị trường, do nó có thể phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ bắt đầu từ Trung Quốc.

 Ngay cả khi căng thẳng được giải quyết, vẫn có nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến sự tin cậy về dài hạn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngay cả khi căng thẳng được giải quyết, vẫn có nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến sự tin cậy về dài hạn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, trưởng chuyên gia kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thuộc S&P Global Ratings Shaun Roache nhận định, mặc dù có thể có những người giành chiến thắng cục bộ trên thị trường chứng khoán, song cuộc tranh cãi đang diễn ra sẽ có tác động toàn cầu, làm tăng giá các thành phần công nghệ hoặc cắt giảm sản lượng.

Nếu Nhật Bản ngừng cấp giấy phép xuất khẩu, Hàn Quốc sẽ phải cắt giảm sản xuất hoặc trả một mức giá cao hơn nhiều để đảm bảo các nguyên liệu quan trọng - một động thái sẽ tác động đến Trung Quốc, ông Roache nói.

“Nếu có bất cứ điều gì can thiệp vào thương mại song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc sẽ bị phá vỡ”, chuyên gia của S&P Global Ratings nói trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo.

Kịch bản tốt nhất là cuộc tranh cãi sẽ biến mất hoàn toàn; nhưng ngay cả khi nó được giải quyết, ông Roache vẫn nhìn thấy nguy cơ xảy ra các vấn đề liên quan đến sự tin cậy về dài hạn.

Ông nói: “Đó là sự thiệt hại dai dẳng đối với lòng tin giữa hai nước và niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu, đó là những gì chúng tôi bắt đầu nhìn thấy. Sự tin tưởng tụt dốc. Nó có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức các công ty nghĩ về những rủi ro và chiến lược của họ”.

Hàn Quốc có thể lâm vào cảnh tồi tệ hơn Nhật Bản. Theo S&P, việc tiếp tục tình trạng bế tắc hiện tại, với những sự gián đoạn trực tiếp tối thiểu, sẽ tạo ra rủi ro giảm vừa phải đối với mức dự báo tăng trưởng kinh tế 2% và 2,6% lần lượt trong các năm 2019 và 2020 ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, tác động đối với Nhật Bản có thể “nhẹ nhàng” hơn, dù nó có thể làm trầm trọng thêm mức tụt giảm dự kiến trong bối cảnh nước này vừa tăng thuế tiêu thụ. S&P dự báo mức tăng trưởng của Nhật Bản là 0,8% và 0,1% cho các năm 2019 và 2020.

Hàn Quốc hồi tháng 8/2019 đã công bố ngân sách năm 2020; trong đó nước này nói họ sẽ chi 2,1 nghìn tỷ Won (188,44 tỷ JPY) để đạt được sự tự lực trong vật liệu và các bộ phận. Theo ông Roache, tự lực là “không hiệu quả và sẽ tốn kém”. “Nó sẽ làm suy yếu những nền tảng cơ bản của các công ty trong các lĩnh vực đó”, ông Roache nói.

Xuất khẩu hằng tháng của Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm lần thứ 10 liên tiếp, khi các cuộc tranh chấp thương mại và tình trạng suy thoái của ngành công nghệ đè nặng lên nhu cầu. Các lô hàng trong 20 ngày đầu tháng 9/2019 đã giảm 22% so với một năm trước đó, đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8/2009, theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc.

“Nhìn chung, hầu hết mọi người sẽ thua cuộc. Ngành công nghệ sẽ là bên thua cuộc đáng kể. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu điều đó có được tính đến hay không”, ông nhấn mạnh.