Thương mại thế giới thay đổi thế nào trong 20 năm qua?

Theo Lê Duy/doanhnhansaigon.vn

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển, thương mại thế giới có những bước chuyển mình đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Thương mại thế giới có những bước chuyển mình đáng kể trong hai thập kỷ qua. Nguồn: internet
Thương mại thế giới có những bước chuyển mình đáng kể trong hai thập kỷ qua. Nguồn: internet

Theo một báo cáo dựa trên dữ liệu từ UN Comtrade (Cơ sở Dữ liệu thống kê thương mại quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc) của Bloomberg, hai thập kỷ trước, 62% thương mại song phương toàn cầu diễn ra giữa các quốc gia giàu có, mà cụ thể là Mỹ, Canada và châu Âu.

Hiện tỷ trọng trên đã giảm xuống còn 47%, trong bối cảnh những quốc gia đang phát triển ngày càng trở thành đối tác thương mại nổi bật. Theo đó, giá trị thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi cũng tăng gấp 10 lần trong giai đoạn này.

Trong khi thương mại với các quốc gia Mỹ Latinh và châu Phi tăng trưởng nhanh chóng, đối trọng thị trường mới nổi lại đến từ châu Á, mà cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Đây là sự tiếp nối của xu hướng đã từng được đề cập trong một báo cáo công bố vào năm 2012 của Viện Nghiên cứu Toàn cầu thuộc công ty tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh McKinsey. 

Theo đó, báo cáo này cho biết, khu vực tập trung hoạt động kinh tế của thế giới đã dịch chuyển từ bắc Ấn Độ cách đây 1.000 năm sang Bắc Đại Tây Dương vào những năm 1900, rồi đến trung tâm nước Nga ở thời điểm hiện tại. Và, nó sẽ tiếp tục di chuyển đến Trung Quốc trong tương lai.

Theo dữ liệu từ UN Comtrade, tỷ trọng thương mại song phương toàn cầu với một đối tác là thị trường mới nổi đã tăng từ 38,3% ở thời điểm 20 năm trước, lên 53% vào năm 2017. Cụ thể, tỷ trọng thương mại song phương giữa Mỹ với một thị trường đang phát triển đã tăng xấp xỉ 17%. Đối với Đức, Nhật Bản và Vương quốc Anh, mức tăng lần lượt là 13,6%, 17,2% và 11%. 

Mặc dù tỷ trọng thương mại song phương giữa hai đối tác là quốc gia đang phát triển vẫn ở mức khá thấp - 14% trong năm 2017, con số này được dự báo sẽ tăng mạnh và chiếm phần lớn thương mại toàn cầu trước năm 2100. Đồng thời, số lượng các quốc gia chú trọng quan hệ thương mại với những thị trường mới nổi cũng tăng mạnh, từ 19 lên 64 chỉ trong vòng 20 năm.

Xu hướng thay đổi nói trên đã giúp nhiều khu vực sản xuất chủ chốt tại những quốc gia đang phát triển giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu từ các thị trường giàu có hơn. Đồng nghĩa với việc nhiều thực phẩm, năng lượng, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng đang chảy về một số khu vực nghèo nhất trên thế giới, mang đến sự thúc đẩy vô cùng cần thiết cho mức sống của cư dân tại các địa phương này.

Nông sản Mỹ Latinh dồn vào châu Á

Được biết, trong năm 2017, đích đến của 78% lượng xuất khẩu nông sản từ Brazil và Argentina là các thị trường mới nổi khác, tăng 28% so với hai thập kỷ trước. Trong đó, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ là ba thị trường sở hữu mức nhập khẩu nông sản tăng mạnh nhất. 

Hiện Trung Quốc mua xấp xỉ 29% trong tổng lượng nông sản xuất khẩu từ các quốc gia trong khu vực có thế mạnh về ngũ cốc thuộc Mỹ Latinh, tăng hơn 22% so với năm 1997. Bên cạnh đó, tỷ trọng nhập khẩu nông sản từ Brazil và Argentina cũng đạt mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Còn tại Hà Lan, tỷ trọng nhập khẩu nông sản từ Brazil và Argentina đã giảm từ 17% vào năm 1997 xuống còn 4% vào năm 2017.

Khoáng sản, đá quý đổ về phương Đông

Theo UN Comtrade, hơn 55% kim loại và đá quý được Nam Phi xuất khẩu sang các thị trường mới nổi khác trong năm 2017, tăng hơn 33% so với 10 năm trước. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là hai thị trường sở hữu tỷ trọng nhập khẩu khoáng sản lớn nhất, theo sau là Botswana và Mozambique. 

Bốn quốc gia này chiếm gần 40% lượng xuất khẩu khoáng sản từ Nam Phi, nhiều hơn cả tỷ trọng nhập khẩu khoáng sản của Mỹ và Nhật Bản cộng lại vào 10 năm trước, khi cả hai còn là những người mua nhiều nhất. Hiện tổng tỷ trọng nhập khẩu của cả Mỹ và Nhật đã giảm hơn một nửa; trong khi ở Anh và Đức, con số này lần lượt giảm còn 5% và 4%.

Ấn Độ khát dầu từ OPEC

Năm 2017, hơn 45% lượng dầu thô từ các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) được xuất khẩu sang những thị trường mới nổi, tăng 34% so với năm 1997. Nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc của Ấn Độ, đi kèm với nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một lớn, là mỏ vàng cho các thành viên OPEC. 

Trong hai thập kỷ qua, tỷ trọng nhập khẩu dầu thô từ OPEC của Ấn Độ đã tăng hơn 15 lần, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ - khách hàng lớn nhất của OPEC. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi, khi tỷ trọng nhập khẩu dầu thô từ OPEC của Mỹ vào khoảng 46% trong năm 1997, đã giảm xuống còn 15%, một phần do sự bùng nổ nguồn cung dầu đá phiến tại quốc gia này.

Hàng xóm của Trung Quốc chi mạnh tay cho hàng điện tử

Theo dữ liệu từ UN Comtrade, đích đến của 28% lượng xuất khẩu điện tử Trung Quốc trong năm 2017 là sang các thị trường mới nổi, tăng từ 11% vào năm 1997. Hai thập kỷ trước, Ấn Độ và Việt Nam nhập khẩu dưới 100 triệu USD thiết bị điện tử và linh kiện từ Trung Quốc. Năm 2017, con số đó đã đạt 20 tỷ USD mỗi nước. Hàn Quốc cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể, trở thành điểm đến thứ hai của các nhà xuất khẩu Trung Quốc, vượt qua cả Nhật Bản.