11/9, Lehman Brothers và Syria

Theo cafef.vn

(Tài chính) Bài viết trên tờ Economist điểm lại và phân tích những gì diễn ra sau các sự kiện khiến thế giới chao đảo kể từ vụ đánh bom khủng bố 11/9.

Có lẽ hai ngày hỗn loạn nhất trong sự nghiệp của phóng viên kinh tế của tôi là ngày nước Mỹ náo loạn bởi vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng (11/9/2011) và ngày toàn bộ nền kinh tế lớn nhất thế giới chìm sâu trong nỗi sợ hãi tột độ gây nên bởi cuộc khủng hoảng tài chính (giữa tháng 10/2008, một tháng sau khi Lehman Brothers). 

Mặc dù xuất phát từ những nguồn khác nhau, cả hai sự kiện trên đều đem lại những cảm xúc giống nhau: nỗi sợ hãi và kết luận thế giới đã thay đổi mãi mãi. Tôi vẫn nhớ những ngày trở về nhà trong đêm tối trên những chuyến tàu điện ngầm vắng vẻ, nhìn vào những người đồng hành và tự hỏi trong số họ có bao nhiêu người nhận ra rằng cuộc sống mưu sinh của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những sự kiện đột ngột này. 

Thế nhưng, những gì tôi suy nghĩ chỉ đúng một nửa. Trong khi sự kiện 11/9 gây nên những hệ lụy kéo dài về con người cũng như chính trị của nước Mỹ, nền kinh tế chỉ phải chịu đựng những tác động thoáng qua. Hãy nghĩ lại về những sự kiện đã qua. Cuộc suy thoái xuất phát từ bong bóng dotcom vỡ tung đang diễn ra khi sự kiện 11/9 xảy ra. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, sự kiện này đã kết thúc. 

Mặc dù đà phục hồi còn yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp đã quay trở lại với mức được cho là bình thường khi nước Mỹ kỷ niệm 3 năm sự kiện 11/9. Nước Mỹ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để làm các thủ tục ở sân bay cũng như đi vào các tòa nhà đặt trụ sở của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 gần như không ảnh hưởng đến nền kinh tế. 

Ngược lại, cuộc khủng hoảng năm 2008 đem đến những rung động kéo dài hơn so với dự báo. Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), nền kinh tế còn ì ạch trong 8 tháng nữa. 4 năm sau khi bắt đầu hồi phục, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đối với một nền kinh tế hiện đại, những thảm họa như động đất, siêu bão và khủng bố tấn công có thể mang đến những hậu quả khủng khiếp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những sự kiện này hiếm khi tạo nên những “vết sẹo” vĩnh viễn. Nền kinh tế Nhật Bản đã lao dốc mạnh sau thảm họa động đất ở Kobe năm 1995 (được coi là thảm họa đắt giá nhất lịch sử thế giới hiện đại) nhưng cũng đã hoàn toàn hồi phục. Tại sao lại như vậy? Vấn đề nằm ở chỗ thiên tai có thể phá hủy cơ sở hạ tầng của nền kinh tế nhưng những yếu tố như nguồn nhân lực, công nghệ, các mối quan hệ không hề mất đi. 

Khủng hoảng tài chính lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nhật Bản cũng khốn đốn khi bong bóng bất động sản vỡ tung và hệ thống ngân hàng của nước này rơi vào vòng xoáy khủng hoảng trong những năm 1990. Khi sụp đổ, các ngân hàng mang theo những mối quan hệ vốn được nuôi dưỡng cẩn thận giữa ngân hàng, người cho vay và người đi vay. Hậu khủng hoảng tài chính, các công ty và hộ gia đình có xu hướng trả nợ hơn là vay mượn cho các dự án mới. Và, do khủng hoảng thường khiến các nguồn tài nguyên bị phân bổ sai lệch (ví dụ như quá nhiều vốn và nhân lực được đổ vào thị trường nhà đất), sẽ phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục hậu quả. 

Tuy nhiên, cũng có một lý do khác lý giải tại sao sau khủng hoảng tăng trưởng lại yếu ớt: phản ứng chính trị. Khi gặp phải thiên tai hoặc bị kẻ thù tấn công, cả nước sẽ tự động đoàn kết với nhau. Thế nhưng, sau khủng hoảng tài chính, các chính trị gia chia bè phái và đổ lỗi cho nhau. 

Nghị quyết thực hiện phản ứng quân sự sau sự kiện 11/9 được thông qua với tỷ lệ 420 -1 ở Hạ viện và 98 - 0 ở Thượng viện. Đạo luật yêu nước (The Patriot Act) chống khủng bố có tỷ lệ 357 - 66 ở Hạ viện và 98 -1 ở Thượng viện. Phiếu thuận cho cựu Tổng thống George W. Bush tăng vọt. Không có ai lẩn tránh vấn đề khi Quốc hội Mỹ từ bỏ kiểm soát thâm hụt ngân sách để thúc đẩy nền kinh tế và tài trợ cho cuộc chiến ở Afghanistan, hoặc khi Fed liên tục cắt giảm lãi suất. 

Tuy nhiên, sự đoàn kết nhanh chóng mất đi. Nước Mỹ bị chia rẽ khi ông Bush sử dụng sự kiện 11/9 làm lý do để tấn công Iraq. Mặc dù vậy, sự ủng hộ của công chúng cũng là lực đẩy khiến chính phủ Mỹ phản ứng một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. 

Ngược lại, khủng hoảng tài chính là điều gây nên sự chia rẽ sâu sắc. "Nội chiến" thường xảy ra xung quanh vấn đề ai là kẻ phải chịu tội và phải phản ứng ra sao. Trong nhiều tháng, Bộ trưởng tài chính Mỹ lúc đó là Henry Paulson đã trì hoãn việc yêu cầu giải cứu thị trường tài chính bởi ông bị thuyết phục rằng Quốc hội sẽ từ chối. Cuối cùng, yêu cầu của Paulson được thông qua. Kế hoạch kích thích của ông Obama năm 2009 chỉ nhận được 3 phiếu ở Thượng viện và không có phiếu nào ở Hạ viện. Điều tương tự cũng xảy ra với đạo luật Dodd-Frank. Ben Bernanke bị lên án kịch liệt vì đã giải cứu hệ thống ngân hàng và in tiền ồ ạt để kích thích tăng trưởng.