Bị bán tháo, vàng thế giới mất giá nhanh

Theo An Huy (Vneconomy)

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh, gây sức ép không nhỏ đối với giá vàng trong nước...

Diễn biến giá vàng SJC ngày 15/4. Nguồn: SJC.
Diễn biến giá vàng SJC ngày 15/4. Nguồn: SJC.

Cuối giờ chiều 15/4, giá vàng SJC mua vào đã tuột xuống dưới ngưỡng 41 triệu đồng/lượng, một mặt do giá vàng thế giới lao dốc mạnh, mặt khác do thông tin về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ chào thầu 1 tấn vàng trong phiên ngày hôm nay (16/4).

Lúc 17h chiều 15/4, ở lần cập nhật giá cuối cùng trong ngày, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Tp.HCM ở mức 40,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 41,4 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại Hà Nội cùng thời điểm, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý giao dịch vàng SJC ở các mức giá tương ứng lần lượt là 40,85 triệu đồng/lượng và 41,4 triệu đồng/lượng.

So với đầu giờ chiều, thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố thông tin về phiên đấu thầu 26.000 lượng vào vào 9h sáng mai, giá vàng hiện đã giảm trên 400.000 đồng/lượng.

Nếu so với đầu giờ sáng, giá vàng SJC mua vào đã giảm gần 1 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra hạ gần 700.000 đồng/lượng. Khoảng cách giữa hai đầu giá mua và bán vàng kéo giãn ra thành 500.000-550.000 đồng/lượng, thể hiện rõ sự thận trọng của các doanh nghiệp kim hoàn.

Theo biểu đồ giá vàng của Công ty SJC, giá vàng bán ra tại đơn vị này hiện đang thấp nhất kể từ giữa tháng 5 năm ngoái trở lại đây. Từ cuối tuần tới hôm nay, giá vàng SJC đã sụt 1,5 triệu đồng/lượng.

Nói về cú sụt của giá vàng trong nước chiều nay, giới kinh doanh vàng cho rằng có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, nhiều khả năng một số tổ chức nhận thấy có thể mua được vàng với mức giá rẻ hơn trong phiên đấu thầu ngày mai, nên đã tung hàng ra từ chiều nay để chờ tới mai mua lại. Nguồn cung hàng tăng trên thị trường khiến giá giảm.

Thứ hai, giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh, gây sức ép không nhỏ đối với giá vàng trong nước, dù giá vàng “nội” vẫn còn giảm cầm chừng so với vàng ngoại.

Lúc hơn 19h tối 15/4 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trong phiên Mỹ sụt gần 60 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần, tương đương mức giảm khoảng 4%, còn 1.419,5 USD/oz. Trước đó, có lúc giá vàng giảm còn 1.384 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 3/2011, tức là trong vòng hơn 2 năm qua.

Phiên thứ sáu tuần trước, giá vàng giảm hơn 5% và rơi vào trạng thái thị trường giá xuống (bear market).

Hãng tin Reuters cho biết, đà giảm của giá vàng thế giới đang bị đẩy nhanh do hoạt động bán tháo vàng của giới đầu tư.

Hôm nay, trong phiên châu Á và đầu phiên châu Âu, vàng đã bị bán tháo cùng một loạt hàng hóa cơ bản khác sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP quý 1 thấp hơn dự báo. Lực bán đã tồn tại từ trước đó do những lo ngại các ngân hàng trung ương ở châu Âu, mà trước hết là Cyprus, sẽ phải bán vàng để giải quyết nợ nần.

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay công bố báo cáo khuyến nghị các nền kinh tế mới nổi ở châu Á giảm bớt chính sách kích thích vì rủi ro lạm phát. Khuyến cáo này cũng tăng áp lực giảm giá lên vàng, vì chính sách nới lỏng vốn là một nguồn lực hỗ trợ quan trọng của kim loại quý.

Bên cạnh đó, việc các quỹ tín thác (ETF) vàng lớn nhất thế giới bán tháo, cũng như hoạt động bán khống của các quỹ đầu cơ, càng khiến lực giảm của vàng thêm mạnh. Phiên thứ Sáu tuần trước, quỹ SPDR Gold Trust bán ròng 22 tấn vàng.

“Nếu chỉ nhìn vào biểu đồ, giá vàng hiện được hỗ trợ ở mức 1.300 USD/oz, đồng nghĩa với sự thoái lui 50% trong mức tăng đạt được trong thời gian kể từ khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản năm 2008 cho tới đỉnh cao kỷ lục vào tháng 9/2011”, ông Ole Hansen, nhà quản lý cấp cao thuộc ngân hàng Saxo Bank, cho biết.