Bức tranh FDI toàn cầu năm 2013

Hải An

(Tài chính) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong năm 2013 ước tính đã tăng 11%, đạt mức trung bình hằng năm giai đoạn 2005-2007, giai đoạn trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo Đánh giá Đầu tư toàn cầu công bố cuối tháng 1/2014 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI trong năm 2013 (bao gồm các dự án đầu tư mới, cũng như các dự án sát nhập và mua lại và đầu tư chứng khoán) ước tính đạt 1.461 tỷ USD trong năm 2013, tương đương với mức trung bình của thời trước khủng hoảng.
                Bức tranh FDI toàn cầu năm 2013 - Ảnh 1                                                                                                            Nguồn: UNCTAD
UNCTAD cũng chỉ ra tỷ lệ vốn FDI vào các nước phát triển năm 2013 chỉ chiếm 39% vốn FDI toàn cầu và đây là năm thứ 2 liên tiếp thấp nhất trong lịch sử. FDI vào nhóm nước này đã tăng 12% trong năm 2013, ước đạt 576 tỷ USD nhưng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 44% so với mức đạt được trong năm 2007, thời điểm mà vốn đầu tư vào các nền kinh tế phát triển đạt mức cao nhất. Trong nhóm nước này, dòng vốn FDI vào Hoa Kỳ tiếp tục sụt giảm trong năm 2013, mặc dù quốc gia này hiện vẫn là nước thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới (159 tỷ USD).

Trong năm 2013, FDI vào các nền kinh tế đang phát triển ước đạt mức khá cao là 759 tỷ USD, chiếm 52% tổng vốn FDI toàn cầu. UNCTAD nhấn mạnh rằng sự phục hồi của FDI toàn cầu chủ yếu là nhờ vai trò ngày càng tăng của nhóm nước này trong thu hút FDI.
 
                    Bức tranh FDI toàn cầu năm 2013 - Ảnh 2

Nếu phân theo khu vực, châu Á hiện vẫn đang là khu vực thu hút vốn FDI lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên dòng vốn FDI vào khu vực này trong năm 2013 có phần chững lại, cũng chỉ tương đương năm 2012. Trong khi đó, đầu tư ở châu Phi, châu Mỹ Latin, và khu vực Caribê lại có sự gia tăng. Vốn FDI vào các nền kinh tế chuyển đổi theo định nghĩa của UNCTAD (khu vực Đông Nam châu Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập), cũng tăng lên đáng kể, chạm mốc kỷ lục với ước tính khoảng 126 tỷ USD (so với mức 87 tỷ USD trong năm 2012, tăng 45%) và chiếm 9% FDI toàn cầu.

FDI vào khu vực Bắc Mỹ tăng 6% trong năm 2013, chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng vốn FDI đầu tư vào Canada, tăng 49% (đạt 64,1 tỷ USD). Theo UNCTAD, việc thu hút FDI của Canada phụ thuộc chủ yếu vào các khoản vay nội bộ cho các chi nhánh nước ngoài tại nước này.

Tại châu Âu, FDI phục hồi đáng kể ở Đức (tăng 392%, đạt 32,3 tỷ USD), Tây Ban Nha (tăng 37%, đạt 37,1 tỷ USD) và Ý (từ 0,1 tỷ USD lên 9,9 tỷ USD)…

               Bức tranh FDI toàn cầu năm 2013 - Ảnh 3

Các chuyên gia của UNCTAD dự đoán rằng dòng vốn FDI sẽ tăng dần trong năm 2014 và 2015, đạt lần lượt 1.600 tỷ USD và 1.800 tỷ USD.

"Kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi và tăng trưởng, việc này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển đổi việc lưu giữ tiền mặt thành các khoản đầu tư mới", báo cáo Đánh giá Đầu tư toàn cầu kết luận. Tuy nhiên, việc FDI phục hồi cũng không đồng đều giữa các nước, các khu vực và cũng sẽ bị gặp các rủi ro khi các gói nới lỏng định lượng bị thu hẹp dần.

                                Bức tranh FDI toàn cầu năm 2013 - Ảnh 4
  (Trích lược Báo cáo Đánh giá Đầu tư toàn cầu, 28/1/2014, UNCTAD)