Các nước thành viên IMF vật lộn với tiền lương, lạm phát yếu

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Các thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh sự mạnh lên của kinh tế toàn cầu, nhưng thừa nhận họ cũng đang phải vật lộn với lạm phát thấp, tiềm năng tăng trưởng thấp và sự hồi phục không đều đang che mờ triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMF.org
Ảnh minh họa. Nguồn: IMF.org

Với việc các ngân hàng trung ương có ít dư địa chính sách hơn và một số ngân hàng trung ương muốn thu hồi các biện pháp kích thích được đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các thành viên IMF cũng kêu gọi chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu cần phải được đẩy mạnh hơn nữa để củng cố tiến trình hồi phục, cho dù những ngày tồi tệ nhất của “cơn bão” kinh tế đã trôi qua.

“Những cải cách cơ cấu khó khăn trong giai đoạn khó khăn sẽ dễ dàng hơn nhiều trong những thời điểm thuận lợi bởi vì triển vọng đang mạnh hơn”, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde nói với các phóng viên hôm thứ Bảy. “Khi mặt trời đang chiếu sáng mà bạn cần phải sửa mái nhà. Thông điệp đó đã nhận được 100% sự ủng hộ (của các nhà hoạch định chính sách)”.

Tuyên bố chung từ Ủy ban Tài chính và Tiền tệ quốc tế (IMFC) - cơ quan chỉ đạo của IMF - cho biết, kinh tế toàn cầu đang tăng tốc nhờ đầu tư, thương mại và sản lượng sản xuất.

Nhưng nó cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên tự mãn bởi sự phục hồi “chưa hoàn toàn” khi mà lạm phát vẫn ở dưới mức mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng ở nhiều nước vẫn yếu.

Các nhà lãnh đạo tài chính tham dự cuộc họp mùa thu thường niên của IMF cũng cảnh báo rằng mặc dù các nền kinh tế đã được cải thiện ở nhiều nước nhưng vẫn có “những nước bị tụt lại phía sau”.

“Chúng tôi vẫn là một nền kinh tế với đầu của chúng tôi trong lò nướng và chân của chúng tôi trong tủ đá. Vì vậy, đối với những người có đôi chân của họ trong tủ đá, họ sẽ không hưởng ứng nếu bạn nói mọi việc đang đi đúng hướng”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Stephen Poloz nói.

Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng toàn cầu còn bị che mờ bởi căng thẳng thương mại, được thể hiện rõ trong các cuộc đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được tổ chức trong cuộc họp mùa thu của IMF.

Bản Tuyên bố chung không đề cập đến thương mại, mặc dù Lagarde đã cố gắng đưa ra một ghi chú sáng suốt bằng cách nói rằng “hoàn toàn chính đáng” để đổi mới các hiệp định thương mại đã có từ lâu nhằm đáp ứng với một thế giới đang thay đổi.

“Thương mại là một động lực mạnh mẽ của sự tăng trưởng, đổi mới, cạnh tranh và năng suất... Hy vọng rằng nếu nó được thực hiện tốt, nó có thể là một chiến thắng cho tất cả các nước trong các cuộc đàm phán đó”, bà nói khi được hỏi về các cuộc đàm phán NAFTA.

Tuyên bố chung cũng cho biết các nước thành viên đã đồng ý hợp tác cùng nhau để giảm “sự mất cân bằng toàn cầu quá mức” và xem xét cẩn thận hơn những tác động phụ tiềm ẩn của việc kéo dài chính sách lãi suất thấp đến giá tài sản và hoạt động kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách cũng tỏ không vui về lạm phát và tiền lương, mặc dù tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh mẽ và IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda cho biết, mặc dù giá cả và tăng trưởng tiền lương yếu đã trở thành một hiện tượng phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng “chỉ là vấn đề thời gian” để chúng tăng tốc khi nền kinh tế mạnh hơn.

Trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi nói chìa khóa là sự kiên nhẫn. “Điểm mấu chốt về chính sách là chúng tôi tin rằng khi điều kiện sẽ tiếp tục được cải thiện, lạm phát sẽ dần dần hội tụ theo cách tự duy trì”, ông nói. “Nhưng cùng với niềm tin, chúng ta cũng cần kiên nhẫn vì nó sẽ mất thời gian”.