Các thị trường mới nổi đang lãng phí cơ hội cải cách trước khi Fed cắt giảm gói mua trái phiếu hàng tháng

Theo gafin.vn

(Tài chính) Một số nước có nền kinh tế mới nổi đã bỏ qua cơ hội đẩy mạnh cải cách kinh tế trước thời điểm Fed cắt giảm gói mua trái phiếu hàng tháng (QE).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Sau nhiều tháng thị trường biến động không ngừng, các thị trường mới nổi đã tỏ ra trầm lắng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định trì hoãn việc giảm dần chương trình mua trái phiếu hàng tháng (QE). Tuy nhiên, một số nước có nền kinh tế mới nổi đã bỏ qua cơ hội này để giải quyết các vấn đề liên quan tới cải cách kinh tế.

Krystal Tan và Daniel Martin, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết, "Sự cải thiện tình hình tài chính của chính phủ các nước mới nổi sẽ giúp kinh tế ít bị “tổn thương” hơn trong tương lai khi thị trường phát triển ổn định hơn. Hơn nữa, điều này cũng có thể giúp cho các nước có nhiều giải pháp tốt hơn để đối phó với những cuộc suy thoái kinh tế trong tương lai”.

Viện dẫn từ tình hình của Ấn Độ và Thái Lan, hai chuyên gia kinh tế cho biết "Vấn đề quan trọng nhất của các chính phủ là phải kiềm chế thâm hụt ngân sách giúp cho nền kinh tế chịu được những biến động thị trường trong tương lai. Tuy nhiên chính phủ các nước lại làm điều này một cách miễn cưỡng".

Kể từ khi Fed lần đầu tiên đề cập khả năng giảm dần chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD, thị trường chứng khoán và đồng tiền của nước mới nổi bị chao đảo do dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ đầu tư. Những nước có sự mất cân bằng rõ rệt nhất về tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Thái lan.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán các nước này vẫn giữ được sự phục hồi ổn định khi Fed quyết định duy trì gói QE và các chuyên gia kinh tế dự đoán thời điểm Fed bắt đầu cắt giảm QE vào năm 2014.

Cổ phiếu của Indonesia đã giảm khoảng 27% so với mức đỉnh của tháng 5 sau khi giảm xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 8. Trong tháng 9, cổ phiếu nước này tăng khoảng 25% từ mức thấp nhất. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế của quốc gia này. Đồng rupiah đã giảm khoảng 24% giá trị so với đồng USD trong năm nay.

Tan và Martin cũng cho hay:"Xét ở khía cạnh tài chính, Thái Lan và Ấn Độ đang có vẻ như chọn sai phương hướng”. Hai quốc gia này tiếp tục duy trì chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân.

Theo chương trình trợ giá lúa gạo hàng tỷ USD, Thái Lan tiến hành mua gạo từ nông dân với giá cao hơn nhiều so với giá của thị trường, nhằm tăng thu nhập cho nông thôn để kích thích tiêu dùng. Kết quả là gạo Thái Lan tăng giá trong năm 2012, khiến cho nước này phải tiêu tốn nhiều chi phí. Cũng phải nhắc lại là Thái Lan trong ba thập kỷ dài vừa qua luôn được coi là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ngân hàng nhà nước Thái Lan trong tháng này đã phải phát hành hơn 2 tỷ USD trái phiếu để bù đắp cho sự thâm hụt ngân sách do chương trình trợ giá trên đồng thời vẫn tiếp tục hoãn việc thanh toán cho người nông dân.

Các mối lo ngại trên đang ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Clay Carter, giám đốc chứng khoán quốc tế của Perennial Investment Partners cho rằng:"Chúng tôi không hề muốn đầu tư vào Thái Lan vào thời điểm này." Và ông nhấn mạnh thêm "Nền kinh tế Thái đang có vẻ như bị thụt lùi " .

Một câu chuyện tương tự đang xảy ra tại Ấn Độ khi nước này thực hiện chương trình trợ giá thực phẩm được dự đoán khiến Ấn Độ phải chi ra 19,8 tỷ USD/năm. Thâm hụt ngân sách của chính phủ Ấn Độ trong năm 2012-2013 chiếm 4,9% GDP. Ấn Độ đang có kế hoạch vay khoảng 100 tỷ USD trong năm nay (không bao gồm các chương trình mới) để bù đắp cho chương trình tài trợ của họ.

Trong khi đó,Indonesia là một trường hợp ngoại lệ. Trong khi hầu hết các thị trường khác trong khu vực đã cho thấy sự phục hồi vững chắc từ mức thấp nhất kể từ tháng 9, thị trường chứng khoán Indonesia đã lấy lại đà tăng và giá trị đồng rupiah quay về mức thấp trong nhiều năm trước đó, hiện đang giao dịch quanh mốc 12.000 rupiah/USD. Erwan Teguh, chuyên gia kinh tế tại CIMB cho rằng "Không giống như một số nước trong khu vực, Indonesia đã có những giải pháp để giải quyết thâm hụt tài khoản vãng lai và tài khoản vốn của họ, bao gồm tăng lãi suất, chỉ đạo các ngân hàng điều tiết tăng trưởng tín dụng và tăng thuế nhập khẩu. Đồng rupiah yếu, một phần là do yếu tố mùa vụ, chẳng hạn như nhu cầu USD tăng vào cuối năm do mua nhiên liệu". Ông nói thêm "Thị trường chứng khoán không phải là một chỉ số phản ánh đúng tình trạng của nền kinh tế”. Ông cũng lưu ý dòng tiền chảy ra từ cổ phiếu đang bị lấn át bởi dòng tiền chảy vào trái phiếu.

Erwan Teguh nhấn mạnh :" Indonesia chắc chắn đang đạt được nhiều hơn những gì mà Thái Lan và Ấn Độ làm. Tuy nhiên, những quốc gia này hầu như chưa tạo được bước tiến lớn nào đáng kể và đây chính là cơ hội để họ thực hiện cải cách". "Có rất nhiều điều các nhà đầu tư không thể lường trước về kết quả của cuộc bầu cử năm tới”.

Các nhà đầu tư có thể lại bắt đầu rút vốn ra khỏi các quốc gia này. Nhưng ông cũng nói thêm "Vốn sẽ chảy ra vào thời điểm Fed bắt đầu giảm gói QE. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn." Ông cũng hy vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ Châu Á tạo động lực thúc đẩy đà tăng trưởng của các thị trường mới nổi.