Chấm dứt hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông

Nhật Nam (Tổng hợp)

Tất cả các bên cần thể hiện sự tôn trọng phán quyết và chấm dứt bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp thêm tình hình, trong đó có các hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép các đảo. Mọi hình thức hoạt động quân sự lén lút hay công khai đều phải dừng lại ngay lập tức và ý định quân sự hóa Biển Đông dù bằng cách này hay cách khác sẽ có tác động to lớn tới hòa bình và ổn định khu vực.

Các diễn giả cho rằng, phán quyết của PCA mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các diễn giả cho rằng, phán quyết của PCA mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đây cũng là quan điểm của một số học giả tham dự Hội thảo bàn tròn về vấn đề Biển Đông diễn ra tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, ngày 15/7/2016. Hội thảo này có sự tham gia của đông đảo các học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược và truyền thông Ấn Độ.

Phán quyết của PCA cần được tuân thủ và tôn trọng triệt để

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông A. B. Mahapatra, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ (CASS-India) đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở Biển Đông trong đó đề cập đến tầm quan trọng về kinh tế của khu vực cũng như những căng thẳng liên quan đến các hoạt động quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông kêu gọi tất cả các bên trong khu vực, trong đó có Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan), được công bố ngày 12/7.

Bên cạnh đó, một số học giả cho rằng, phán quyết của PCA cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để vì phán quyết này ủng hộ khuôn khổ pháp lý quản lý đại dương và giải quyết tranh chấp trong tương lai trên cơ sở Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Tất cả các bên liên quan đến tranh chấp, các cường quốc khu vực và cộng đồng quốc tế phải chú ý tới diễn tiến trên Biển Đông theo phán quyết mới đây của PCA và thuyết phục các bên tuân thủ phán quyết.

Đáng chú ý, tại hội thảo hầu hết đánh giá phân tích của các diễn giả tham dự hội thảo đều tập trung phản ánh những diễn biến mới tại Biển Đông sau phán quyết của PCA và cho rằng đây là một phán quyết mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định đây không chỉ là chiến thắng của Philippines mà còn là chiến thắng của công lý và luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của CASS-India về phán quyết của PCA được công bố tại hội thảo nêu rõ tất cả các bên cần tôn trọng phán quyết và ủng hộ tinh thần thượng tôn luật pháp, nhất là UNCLOS.

Cộng đồng quốc tế nên hối thúc tất cả các bên liên quan tuân thủ triệt để phán quyết của PCA và chỉ có thực hiện như vậy mới góp phần giảm bớt căng thẳng, đem lại hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nơi vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các tuyến thương mại hàng hải huyết mạch với thương mại toàn cầu trị giá khoảng 5,6 tỷ USD đi qua mỗi năm.

Tuyên bố cho biết thêm điều quan trọng là giờ đây Trung Quốc phải ngừng hoạt động xây dựng đảo, cho dù dưới danh nghĩa là phát triển cơ sở hạ tầng dân sự ở vùng biển này và Trung Quốc phải đưa ra đề xuất có thể phục hồi môi trường đã bị hủy hoại như thế nào vì điều này rất quan trọng cho hệ sinh thái ở Biển Đông.

Tuyên bố còn cho rằng, ASEAN cần thể hiện tình đoàn kết vì một nửa số thành viên của khối có liên quan tới tranh chấp này và việc khối này có một lập trường chung sẽ giúp giải quyết vấn đề nhằm mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực.

Ngoài ra, ASEAN phải nỗ lực xúc tiến các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại không bị cản trở ở Biển Đông.

Mở ra cơ hội và thách thức mới

Theo các học giả, chuyên gia, phán quyết của Trọng tài Thường niên (PCA) ngày 12/7 sẽ mở ra những thay đổi trong hành động và quan hệ; mở ra cơ hội và thách thức mới trong vấn đề Biển Đông.

Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS cho rằng, điểm quan trọng nhất trong phán quyết của PCA thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là tòa đã bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” đối với “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Việc này đồng nghĩa là khái niệm “đường 9 đoạn” hoàn toàn bị xóa sổ và không có giá trị pháp lý.

“Phán quyết đã chỉ rõ Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi có tham vọng chiếm đoạt một vùng biển lớn mà Trung Quốc vạch ranh giới bằng “đường 9 đoạn” và thái độ của nước này đối với hoạt động đánh cá của tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế là những vi phạm về luật biển”, GS. Eric David, Khoa Luật, Đại học Tự do Brussels (ULB) ở Bỉ, nói.

Nhấn mạnh phán quyết của PCA, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ cho hay, phán quyết của PCA đưa ra cơ hội và thách thức với tất cả các nước bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và những nước đồng minh của Mỹ trong khu vực và xa hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Là một quốc gia ở Thái Bình Dương, Mỹ chắc chắn có quyền lợi quốc gia để đảm bảo trật tự hòa bình hiện tại và tương lai hòa bình tại khu vực rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương…”, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, nói.

Phán quyết của PCA ngày 12/7, Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng tài khẳng định rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên là không phù hợp với sự phân bổ chi tiết về quyền và vùng biển của UNCLOS; không có chứng cứ nào cho thấy rằng trong lịch sử Trung Quốc đã một mình thực hiện việc kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông hay ngăn cản các quốc gia khác khai thác những tài nguyên của mình…

Vì vậy, tòa cũng ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo UNCLOS./.