Đối thủ của ngành ngân hàng

Theo cafef.vn

(Tài chính) Trong khi các ngân hàng kén chọn khách hàng khiến nhiều người không thể vay vốn, ngân hàng trong bóng tối lấp đầy chỗ trống ấy.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong một xưởng cơ khí nằm bên bờ sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, chiếc đèn hàn điều khiển từ xa đang cắt những tấm thép dày. Chiếc máy đang cắt ra những tấm kim loại có độ dài khoảng 1m. Trên sàn nhà có hàng trăm tấm kim loại khác với nhiều hình dáng.

Một nhóm các thợ hàn ở một góc khác của xưởng phải hét lên khi nói chuyện với nhau do trong xưởng quá ầm. Họ sẽ từ từ lắp ghép những tấm thép nói trên thành các tấm lưới phức tạp. Khi những tấm lưới này đủ lớn với cân nặng 150 tấn, chúng sẽ được chuyển đi bằng cần cẩu và cố định với các tấm lưới khác. Khi tổ hợp này đạt độ nặng 600 tấn, chúng được chuyển đi bằng một chiếc cần cẩu to hơn. Đó là quá trình làm Interlink Fidelity – con tàu dài 180m và rộng 32m có khả năng chở 38.800 tấn hàng. 

Quá trình kể trên không có gì đặc biệt, ngoại trừ đây là dự án được tài trợ bởi Carlyle, một công ty vốn cổ phần tư nhân (private-equity firm) hiện đang lấn sân vào lĩnh vực nợ tư nhân. 

Trước khủng hoảng tài chính, các ngân hàng chiếm tới 87% các khoản vay trong ngành đóng tàu. Đặc biệt, các ngân hàng châu Âu luôn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, khi thị trường trục trặc, các doanh nghiệp đóng tàu cũng gặp nhiều khó khăn và buộc phải tiếp tục đóng tàu dựa trên giả định quá lạc quan về khả năng tăng trưởng của thương mại toàn cầu. Các xưởng đóng tàu vẫn đều đặn sản xuất các con tàu đã được đóng từ trước đó, khiến nguồn cung bị dư thừa. Người mua cố gắng hoãn hoặc hủy hợp đồng và hợp đồng mới gần như không có. Mặc dù hoạt động thương mại sớm được cải thiện, ngành đóng tàu vẫn còn nhiều khó khăn. 

Khó khăn càng lớn hơn khi tín dụng dành cho ngành đóng tàu giảm từ 92 tỷ USD năm 2007 xuống còn 33 tỷ USD trong năm 2009 (theo số liệu của Dealogic). Đến năm 2012, một số nhà máy đóng tàu của Trung Quốc gần như không hoạt động. 

Trong bối cảnh ấy, những công ty vốn cổ phần tư nhân như Apollo Global Management, Blackstone, Carlyle Group và KKR nhận thấy đâu là một cơ hội. Một số mua lại nợ của các doanh nghiệp đóng tàu tại ngân hàng. Ví dụ, tháng 12 năm ngoái, công ty quản lý quỹ Oaktree Capital Management mua khoản nợ 280 triệu euro của Commerzbank. Một số khác thì huy động tiền để đầu tư hoặc cho các doanh nghiệp đóng tàu vay tiền. KKR cùng với các nhà đầu tư khác có 580 triệu USD dành riêng cho các công ty đóng tàu. 

Ngành đóng tàu như người chết đuối vớ được cọc và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn này thay vì ngân hàng. Năm 2012, rất nhiều công ty phát hành trái phiếu. Không có nhiều số liệu được công bố, nhưng giới phân tích cho rằng các công ty vốn cổ phần tư nhân đã rót khoảng 30 tỷ USD vào ngành đóng tàu trong năm ngoái. 

“Chúng tôi mở rộng hoạt động trong những lĩnh vực mà các ngân hàng đang cắt bỏ”, David Marchick của công ty đứng sau dự án Fidelity chia sẻ. Ông đang nhắc đến các khoản vay dành cho các công ty năng lượng, hàng hóa và nhiều lĩnh vực đầy tiềm năng khác. 

Bennett Goodman đến từ GSO (bộ phận nợ tư nhân của Blackstone) cũng có quan điểm tương tự. Ông dự đoán số tiền GSO cho các công ty vay sẽ tăng trưởng 10 – 20% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. 

Xu hướng đi vay ngoài ngân hàng không chỉ thịnh hành ở các nền kinh tế phát triển. David Creighton – chuyên gia đến từ Cordiant (công ty quản lý hơn 2,4 tỷ USD trong các quỹ nợ tư nhân chuyên cấp tín dụng cho những công ty ở các nước đang phát triển) cho rằng nhu cầu đối với các khoản vay ngoài ngân hàng ở các nước nghèo và có thu nhập trung bình cũng tương đương với các nước giàu có. 

Kể từ năm 2011, Cordiant đã cung cấp các khoản vay cho gần 200 doanh nghiệp ở hơn 50 nước. Đầu tiên, Cordiant chỉ làm việc với các định chế tài chính quốc tế (như World Bank) để tạo niềm tin trong nhà đầu tư. Tuy nhiên, hãng đang phát triển các phương pháp bảo vệ nhà đầu tư và thu hút vốn dễ dàng hơn.

Xu hướng siết chặt chính sách cho vay của các ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính đã thúc đẩy tín dụng đen phát triển. Ví dụ, giá trị các khoản vay nặng lãi ở Anh đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010 đến 2012, lên gần 800 triệu bảng.

Quan trọng hơn, mô hình cho vay trực tiếp P2P đã bùng nổ. Mô hình này kết nối người đi vay với người cho vay thông qua một hệ thống trực tuyến và kiếm tiền bằng cách thu phí.

Sản phẩm phổ biến nhất mà mô hình P2P cung cấp là các khoản vay cá nhân không được đảm bảo, thường được sử dụng để tái tài trợ nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, có cả các khoản vay không đảm bảo dành cho doanh nghiệp hoặc tái tài trợ cho các khoản nợ sinh viên. Một số cung cấp bảo hiểm cho trường hợp vỡ nợ, một số khác chuyển lỗ trực tiếp cho nhà đầu tư. 

Quy mô của mô hình P2P vẫn còn khá nhỏ: hai hệ thống lớn nhất nước Mỹ chỉ cho vay khoảng 5 tỷ USD, một phần rất nhỏ trong thị trường nợ cá nhân trị giá 1.800 tỷ USD của Mỹ. Tuy nhiên, P2P đang có tốc độ tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Các khoản vay mới được thực hiện qua Prosper trong tháng 3 đạt 77 triệu USD – gấp 4 lần so với 1 năm trước đó. Trong 8 năm, tốc độ tăng trưởng là 3.000%. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ vỡ nợ là rất thấp. 

Tuy nhiên, các ngân hàng thường tỏ ra hoài nghi về sức mạnh của P2P. Họ cho rằng nhà đầu tư không thực sự ý thức được rủi ro cho đến khi thảm họa xảy ra. Thêm vào đó, sức hấp dẫn của P2P chủ yếu đến từ tình trạng lãi suất siêu thấp hiện nay. Khi lãi suất bắt đầu tăng, lợi thế đó sẽ biến mất. 

Các doanh nghiệp P2P phản pháo rằng chính hệ thống mạng lưới rộng lớn và công nghệ lạc hậu khiến chi phí hoạt động của ngân hàng cao hơn rất nhiều so với mô hình P2P. Các tiêu chuẩn hoạt động của mô hình này cũng rất chặt chẽ, thậm chí là tốt hơn so với các ngân hàng. Nhờ sử dụng dữ liệu một cách thông minh, họ có thể đưa ra những hợp đồng tốt mà vẫn bảo toàn được khả năng sinh lời cho dù lãi suất cao hay thấp. Có khá nhiều người tin vào lập luận ấy. Năm ngoái, Google dẫn đầu một nhóm đầu tư 125 triệu USD vào  Lending Club, hệ thống cho vay P2P lớn nhất nước Mỹ.

Khác với hệ thống ngân hàng thế giới, ở thời điểm hiện tại, các mô hình P2P, quỹ tín dụng, quỹ thị trường tiền tệ và thậm chí cả thị trường trái phiếu vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. “Qui mô của chúng tôi thậm chí chưa bằng một bộ phận nhỏ của JPMorgan hay Barclays”, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ nói. 

Quy mô nhỏ có nghĩa là tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Và, chắc chắn là người đi vay sẽ cảm thấy hài lòng khi có nhiều sự lựa chọn hơn. Yu Wei, lãnh đạo của công ty đóng tàu Taizhou Kouan, luôn vui mừng vì các công ty vốn cổ phần tư nhân đã tham gia vào ngành đóng tàu. Chính họ đã cứu sống ngành này tại thời điểm khó khăn nhất.  

Robert Hartshorne, người thường viết nhạc cho các chương trình truyền hình, cũng ca ngợi Funding Circle – một công ty cho vay theo mô hình P2P ở Anh. Anh đang triển khai ý tưởng về một bộ phim hoạt hình dựa trên 12 con giáp của Trung Quốc. Đã có người mua bản quyền và Bộ Văn hóa Trung Quốc cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, đầu tiên Hartshorne phải làm một tập thử nghiệm. Anh sử dụng số tiền tiết kiệm 300.000 bảng để đầu tư. Khi hết tiền, anh đến ngân hàng vay 60.000 bảng nhưng tất cả đều từ chối vì số tiền không đủ lớn. Với Funding Circle, anh có thể vay tiền chỉ trong 3 tuần. “Tôi sẽ không bao giờ vay tiền ngân hàng nữa”, Hartshorne nói.