ECB đưa ngân hàng vào tầm ngắm

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Phần lớn hệ thống ngân hàng các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới kéo dài 3 năm, nếu việc đó xảy ra. Với kết luận trên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan Quản lý ngân hàng châu Âu (EBA), các chiến lược gia lạnh lùng tại Brussels đã đưa hệ thống ngân hàng châu Âu vào tầm ngắm với sự thận trọng chưa từng có.

ECB đưa ngân hàng vào tầm ngắm
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Cũng trong kết luận của ECB, 25/123 ngân hàng thuộc khu vực đồng euro được đánh giá không đủ khả năng đối phó với kịch bản suy thoái và khủng hoảng. Trong số 25 ngân hàng yếu kém này, có 9 cơ sở của Italy, 3 của Hy Lạp, 3 của Cyprus, 1 của Đức và 1 ngân hàng nhỏ của Pháp. Việc kiểm tra dựa trên bản tổng kết 2013 của các ngân hàng. 12/25 ngân hàng nói trên đã thất bại trong việc huy động 15 tỷ euro để đáp ứng nhu cầu năm nay. 13 ngân hàng còn lại có 2 tuần để trình bày các biện pháp huy động tài chính đáp ứng nhu cầu và sẽ có 6-9 tháng để thực hiện kế hoạch này. Mặt khác, ECB cũng xác định được 136 tỷ euro có nhiều rủi ro, trong tổng số 879 tỷ euro tài sản của tất cả ngân hàng thuộc Eurozone.

Lãnh đạo ECB tuyên bố việc tiến hành kỳ kiểm tra “kỹ chưa từng có” này đối với các ngân hàng quan trọng nhất của khu vực sẽ làm tăng lòng tin vào lĩnh vực ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng thêm vững chắc và có sức kháng cự mạnh hơn với khủng hoảng. Đây là cuộc kiểm tra lần thứ 3 kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, bao gồm các kịch bản như khả năng sụt giá mạnh trên thị trường bất động sản Liên minh châu Âu (EU), các nền kinh tế thành viên rơi vào giai đoạn suy thoái 3 năm và lãi suất tín dụng tăng mạnh.

Các nhà phân tích nhận định cách mà ECB cùng EBA tiến hành cuộc kiểm tra lần này - kiểm tra các bảng quyết toán tài sản và khả năng tài chính của ngân hàng trong việc đối phó với các kịch bản rủi ro - cho phép các ngân hàng có nhiều thời gian để sửa chữa sai sót.

ECB hy vọng rằng kết quả kiểm tra lần này sẽ xóa bỏ các chỉ trích trước đó cho rằng thể chế này chưa đủ nghiêm khắc, và cùng với đó, các nhà đầu tư sẽ tin tưởng hơn vào hệ thống ngân hàng của Eurozone khi ECB đảm nhận trách nhiệm giám sát theo Cơ chế Giám sát Chung vào ngày 4.11 tới. Giới phân tích cho rằng uy tín là mấu chốt của vấn đề.

Năm 2011, một loạt kiểm tra năng lực tài chính của EBA đã trở thành trò cười sau khi một số ngân hàng từng vượt qua cuộc kiểm tra vào tháng 7 sau đó đã phải nhận cứu trợ. Tháng 10.2011, ngân hàng liên danh Đức - Bỉ Dexia bị đóng cửa và giải thể chỉ vài tháng sau cuộc kiểm tra. Tháng 5.2012, Bankia thậm chí còn trở thành đối tượng chính trong cuộc cứu trợ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. ECB rõ ràng đã rất thận trọng tránh đi vào vết xe đổ của EBA.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà phân tích hoài nghi rằng kết quả cuộc kiểm tra tổng thể vừa qua có thể thúc đẩy tín dụng và tăng các khoản cho vay hay không, khi thực tế vấn đề này vẫn phụ thuộc vào nhu cầu chung.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công năm 2011, châu Âu đã quyết định thành lập một cơ chế giám sát duy nhất, có nhiệm vụ giám sát trực tiếp 123 ngân hàng quan trọng nhất trong Eurozone. Vai trò này được giao cho ECB. Trước khi đảm nhiệm chức năng này vào ngày 4.11 tới, từ tháng 10.2013, ECB đã tiến hành chiến dịch mang tên Đánh giá toàn diện, để thẩm định tình hình tài chính, khả năng kháng cự và huy động tài chính của các ngân hàng, đã được tiến hành một cách kín đáo, với sự tham gia của 6.000 nhân viên.

Cuộc kiểm tra bao gồm 2 bước. ECB tiến hành đánh giá chất lượng tài sản (Asset quality review-AQR), bao gồm tài sản và tín dụng của 123 ngân hàng trong Eurozone, qua đó, tái tạo lòng tin của giới đầu tư. Đồng thời, EBA có trụ sở tại London, tiến hành các trắc nghiệm khủng hoảng (stress tests), trắc nghiệm về khả năng tài chính của các ngân hàng đối phó với một số kịch bản rủi ro, trong đó, kịch bản đen tối nhất là suy thoái do khủng hoảng thị trường tài chính và giá bất động sản sụt giảm mạnh.