GDP đã hết thời?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Tập trung quá nhiều vào phát triển GDP dễ dàng khiến các nhà chính trị đi sai hướng – ví dụ như việc mở rộng ngành ngân hàng quá đà, và bỏ quyên những nhu cầu thiết yếu hơn về giáo dục, y tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngay cả công việc có phần dễ dàng là đo tất cả các thứ được sản xuất ra cũng không dễ dàng như người ta nghĩ. Hãy hãy nhìn vào ví dụ “ổ bánh mì” được đề xuất bởi nhà kinh tế học Ha-Joo Chang (ĐH Cambridge). Khi tính toán giá trị một ổ bánh mì, nếu tính cả thành phần men và bột, chúng ta đã phạm lỗi tính trùng lặp. 

Sản phẩm đầu ra được tính toán dựa trên giá trị gia tăng: chúng ta lấy giá trị của ổ bánh mì trừ đi giá trị các yếu tố đầu vào trung gian. Bánh mì là một sản phẩm khá đơn giản. Nhưng hãy thử tính toán giá trị gia tăng của một chiếc ô tô hay điện thoại iPhone – những sản phẩm dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ và phức tạp. Không có gì lạ khi Hệ thống tài khoản thống kê quốc gia của Liên hợp quốc, bản thống kê và phân tích GDP kéo dài hơn 70 trang. 

GDP thống kê về số lượng tốt hơn là chất lượng – ông Chang, người vừa xuất bản quyển sách mang tên: Kinh tế học- cẩm nang cho người sử dụng", chia sẻ. Trong cuốn sách này, ông đưa ra cái nhìn thú vị về các giả thuyết kinh tế nổi tiếng. Hãy nhìn vào bộ dao, thìa nĩa được bày trên bàn ăn. Xét về sản lượng, một bộ gồm 3 thìa cũng có giá trị ngang bằng với một bộ dao, thìa, nĩa. Nhưng rõ ràng nếu xét về mặt chất lượng thì không phải như vậy.

Một trong những thất bại lớn nhất của GDP là cách nắm bắt ngành dịh vụ. Đây là vấn đề lớn bởi tại nhiều nước phát triển là dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 2/3 GDP. Các nhà thống kê đã làm khá tốt việc tính toán các tài sản hữu hình như gạch đá, sắt thép. Tuy nhiên, họ gặp nhiều khó khăn với các tài sản vô hình như dịch vụ thiết kế, các hợp đồng mua bán máy bay hay các hợp đồng tài chính. Làm thế nào để so sánh năng suất của một bác sĩ phẫu thuật não ở Brazil với một kỹ sư ở Đức hay một nhà đầu tư tài chính ở Nigeria?

Chúng ta hãy trở lại với ví dụ dịch vụ cắt tóc ở Bắc Kinh. Chúng ta không thể biết chính xác giá tiền cho mỗi kiểu đầu khác nhau, vì vậy bạn cần tập trung vào một mẫu nhất định. Bạn kết luận rằng trung bình giá tiền cắt tóc ở Bắc Kinh rẻ bằng một nửa so với New York. Nhưng làm thế nào để biết bạn đang so sánh điều gì với điều gì? Bạn so sánh dựa trên chất lượng dịch vụ, kỹ năng của người làm hay độ sáng của màu tóc khi hoàn thành? Liệu bạn có bỏ lỡ điều gì trong quá trình cắt tóc? Khi xem xét hiệu quả làm việc của một y tá, chúng ta nên so sánh số lượng bệnh nhân họ chăm sóc trong ngày hay chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp? 

Nhiều người cho rằng lập luận này không thuyết phục. Giá của dịch vụ được quyết định dựa trên khả năng chịu đựng của thị trường. Không ai trả tiền cho dịch vụ tồi. 

Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề quan trọng cần gây tranh cãi. Dịch vụ nhiều hơn liệu có tốt hơn? Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình tính toán GDP. Lấy ví dụ về ngành ngân hàng. Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ngành tài chính Mỹ liên tục có bước phát triển ngoạc mục, đóng góp tới 8% GDP năm 2009. Tuy nhiên, cuối cùng thì ai cũng phải thừa nhận rằng khu vực ngân hàng lớn hơn không phải lúc nào cũng tốt. Đa số sự mở rộng qui mô có nguồn gốc từ việc tăng công suất để tạo ra những sản phẩm “phức tạp”, trong số đó nhiều sản phẩm mang lại ảnh hưởng tiêu cực. Khu vực ngân hàng đã làm giảm GDP thay vì tạo thêm GDP.

Ngành dược phẩm y tế cung cấp một ví dụ khác. Nước Mỹ chi khoảng 18% GDP cho việc chăm sóc sức khỏe, hầu hết trong số đó là tiền bảo hiểm, chi phí thuốc men ngày càng tăng cao và các thủ tục không cần thiết. Tuy vậy, kết quả đạt được là tuổi thọ và chất lượng cuộc sống cũng không vượt trội hơn so với nhiều nước chỉ dành một nửa số tiền trên. 

Trong khi một vài dịch vụ được chú trọng quá mức, các dịch vụ khác lại bị bỏ qua. GDP chủ yếu tính đến những thứ được mua và bán. Những hoạt động phi thị trường hoàn toàn "vô hình". Ví dụ tiêu biểu nhất là làm việc nhà. Không có ai trả tiền cho những công việc như nấu ăn, dọn nhà, chăm sóc con cái hay người lớn tuổi trong gia đình. Lý do được đưa ra là phần lớn những công việc trên được thực hiện bởi phụ nữ và thường bị đánh giá thấp. Thêm nữa, rất khó để đo lường và tính toán những công việc này. 

Tuy vậy, thật vô lý nếu hoàn toàn bỏ qua nó. Ở Nhật Bản, chính phủ đang tổ chức một chiến dịch vận động nhằm kêu gọi thêm nhiều phụ nữ đi làm để góp phần tăng trưởng GDP. Đây có thể là một ý kiến hữu ích. Tuy nhiên, chúng ta nên có những bước đi thận trọng và thử nghiệm trước. Hãy tưởng tưởng nhiều phụ nữ được cho là thất nghiệp, nhưng họ phải chăm sóc con cái và người già trong gia đình mỗi ngày. Giả sử mỗi người phụ nữ như vậy sẽ làm công việc tương tự nhưng được trả lương theo giờ tại nhà hàng xóm. Điều này có thể giúp Nhật Bản tăng cường GDP. Nhưng xét về lượng công việc được thực hiện, hầu như không có gì thay đổi. Điều khác biệt duy nhất là người già sẽ được chăm sóc bởi một người lạ thay vì người thân – chính phủ cũng tạo thêm nguồn thuế thu nhập mới.

Chênh lệch giàu nghèo, một chủ đề đang rất được quan tâm tại nhiều nền kinh tế phát triển, cũng là nguyên nhân khiến GDP không còn là chỉ số chính xác. Sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được đánh giá là thần kỳ trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, theo Robert Reich – cựu Bộ trưởng Bộ lao động và hiện nay là giáo sư tại trường đại học California, tiền lương trung bình sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không có sự cải thiện kể từ những năm 1970. Chỉ nhóm 1% được hưởng lợi từ tăng trưởng. 

Mặt khác, Coyle cho rằng, GDP không có khả năng biểu đạt một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nền kinh tế hiện đại: sự đổi mới. Các thiết bị như máy tính luôn được đổi mới và phát triển liên tục. Nếu hôm nay bạn mua máy tính mới có chức năng tốt hơn bốn lần chiếc máy bạn mua năm ngoái nhưng giá cả lại như nhau, điều này có nghĩa giá thật sự của chiếc máy tính đó đã bị giảm xuống. Nói cách khác, bạn đang giàu lên.

Giống như tác giả Jeremy Rifkin đã chỉ ra trong quyển sách mới xuất bản mang tên The Zero Marginal Cost Society (tạm dịch: Chi phí cận biên xã hội bằng 0), giá cả của nhiều sản phâm – như nhạc điện tử, các dịch vụ chia sẻ xe hơi trên mạng Internet, Wikipedia, năng lượng mặt trời, Skype – đang có xu hướng gần bằng 0. Làm sao để chúng ta đánh giá các hoạt động của nền kinh tế nếu như những sản phẩm đó đều miễn phí? Cách đây không lâu, hàng triệu người chết vì không có thuốc kháng sinh trong khi ngày nay nó chỉ đáng giá vài xu. "Nếu mọi người đều có cuộc sống tốt hơn, ăn uống đầy đủ và có nhiều thời gian nghỉ ngơi, có thể nói rằng xã hội đã giàu lên.”

Điều này dẫn đến một câu hỏi mang tính triết học: liệu chúng ta có cần tăng trưởng? Nhận thức về việc GDP đang mất dần khả năng nắm bắt thực tế xã hội và nền kinh tế đã khiến nhiều nhà khoa học tìm cách đổi sang phương pháp đo lường khác. Cựu thủ tướng Pháp Nicolas Sarkozy lập ủy ban kêu gọi các nhà kinh tế hàng đầu như Joseph Stiglitz và Amartya Sen thảo luận để tòm ra biện pháp tốt hơn. Họ đi đến kết luận ra kết luận tiêu chuẩn của chúng ta về việc đánh giá một nền kinh tế là chưa hợp lý. Tồi tệ hơn, họ nghĩ rằng tập trung quá nhiều vào phát triển GDP dễ dàng khiến các nhà chính trị đi sai hướng – ví dụ như việc mở rộng ngành ngân hàng quá đà, và bỏ quyên những nhu cầu thiết yếu hơn về giáo dục, y tế.