IMF: Lạm phát thấp là rủi ro lớn với kinh tế toàn cầu

Theo gafin.vn

(Tài chính) IMF cảnh báo rằng, lạm phát tại khu vực đồng euro và các nền kinh tế hàng đầu quá thấp, gây rủi ro đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhận định của chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng lớn về nguy cơ giảm phát của khu vực đồng euro. Hiện tại, lạm phát của khu vực này chỉ ở mức 0,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là gần 2%.

Bà Lagarde cho rằng, lạm phát thấp kéo dài là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần, đặc biệt là khu vực đồng euro nói riêng và các nền kinh tế phát triển nói chung.

Đây là nhận định mà chủ tịch IMF đưa ra trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel và lãnh đạo của các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới, như Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Lao động quốc tế, ở Berlin.

Theo bà Lagarde, một rủi ro khác đối với kinh tế toàn cầu là việc thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và hậu quả của nó đối với các nền kinh tế mới nổi.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng từng báo động về tình trạng lạm phát thấp. Tuần trước, ông Draghi phát biểu rằng, ECB sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp nới lỏng hơn nữa nếu mức lạm phát hàng năm tại khu vực tiếp tục giảm thấp. Lạm phát thấp là mối đe dọa đối với hoạt động đầu tư vì người tiêu dùng và các công ty có thể sẽ hạn chế chi tiêu trong khi chờ đợi giá cả thị trường giảm xuống.

Các chuyên gia kinh tế học cho biết, ECB thể sẽ thực hiện các biện pháp kích thích đặc biệt, như lãi suất âm và các chương trình mua trái phiếu quy mô lớn, để hạn chế giảm phát kéo dài.

Phát biểu về thực trạng của kinh tế toàn cầu, bà Lagarde cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang có những tín hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ ở 3,6% trong năm 2014 và tăng lên 3,9% trong năm tới nhờ sự phục hồi của các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cảnh báo về rủi ro của khủng hoảng tại Ukraine, vốn đã gây tổn thương cho triển vọng kinh tế Nga, đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Lãnh đạo các tổ chức đã đi đến một kết luận chung rằng, hoạt động kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng trên diện rộng nhưng vẫn chưa đạt đến mức tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Vẫn còn tồn tại rất nhiều rủi ro lớn, tỷ lệ nợ (gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình) vẫn ở mức cao tại phần lớn các nước công nghiệp hóa và hiệu quả kém trên thị trường lao động.

Hội nghị kêu gọi chính phủ các nước đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế; đồng thời, duy trì và thực hiện việc củng cố tài chính ở tốc độ phù hợp.