Kết quả nghiên cứu mới của IMF: Không tồn tại ngưỡng an toàn của nợ công

Theo gafin.vn

(Tài chính) Sau sai sót trong nghiên cứu về nợ công của Reinhart và Rogoff, tranh luận vẫn chưa dừng lại khi IMF công bố báo cáo mới phủ định hoàn toàn sự tồn tại của ngưỡng an toàn của nợ công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng trưởng của một quốc gia không tự động chậm lại khi tỉ lệ nợ công vượt qua ngưỡng 90% GDP. Đây là kết luận từ nghiên cứu vừa mới công bố của Andrea Pescatori, Damiano Sandri và John Simon với tiêu đề: "Debt and Growth: Is There a Magic Threshold?" (Tạm dịch: "Nợ và tăng trưởng: Liệu có tồn tại một ngưỡng thần diệu?" - ý muốn chỉ một ngưỡng nợ công được xem là an toàn đối với một nền kinh tế).

Bằng nghiên cứu trên của mình, ba chuyên gia nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đặt một hòn đá tảng mới trong làn sóng những tranh cãi dữ dội trong giới nghiên cứu về kinh tế và chính sách công trên thế giới.

2 nhà kinh tế danh tiếng Kenneth Rogoff (trái) và Carmen Reinhart (phải) thừa nhận sai sót nghiêm trọng.
2 nhà kinh tế danh tiếng Kenneth Rogoff (trái) và Carmen Reinhart (phải) thừa nhận sai sót nghiêm trọng.
Trở lại với nghiên cứu nổi tiếng của hai giáo sư trường đại học Harvard về nợ công năm 2010. Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đã công bố một báo cáo cho rằng, một quốc gia có tỉ lệ nợ công/GDP lớn hơn 90% sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp hơn và khẳng định điều này đúng với mọi quốc gia dù ở bất kì trình độ phát triển nào đi chăng nữa.

Cụ thể, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đã đưa ra kết luận: khi tỉ lệ nợ công/GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của quốc gia đó sẽ giảm 0,1% và ngược lại, nếu tỉ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3%-4%.

Sau thời điểm trên, kết luận của bản báo cáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc thiết kế và điều chỉnh các chương trình kinh tế tại các nước Nam Âu. Olli Rehn - Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế đã nhiều lần xuất hiện trên báo chí với những lời kêu gọi các quốc gia đang gặp khó khăn trong khu vực đồng tiền chung châu Âu cần phải thắt lưng buộc bụng và coi đó như biện pháp quan trọng nhất để giải quyết vấn đề nợ công.

Tuy nhiên, các tính toán của hai giáo sư trường đại học Harvard đã hoàn toàn sai lầm. Năm 2013, Thomas Herndon - một nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc đại học Massachusetts đã phát hiện ra lỗi sai nghiêm trọng trong dữ liệu khi nhập vào Excel để tính toán của hai vị giáo sư trên và Reinhart-Rogoff đã phải thừa nhận sai sót nghiêm trọng của mình.

Vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, bởi một vài dữ liệu của một số quốc gia như New Zealand, Canada và Australia cũng đã bị loại trừ khỏi tính toán mà không có lí do giải thích chính đáng.

Đứng trước những chỉ trích, hai giáo sư trường Harvard đã đính chính lại nghiên cứu nhưng giữ nguyên kết luận về ngưỡng nợ công 90% GDP.

Nghiên cứu mới công bố của ba chuyên gia của IMF đã phủ định hoàn toàn kết quả trên của Reinhart và Rogoff. Các tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên tổng số mẫu là các chỉ số kinh tế của 34 quốc gia trong suốt gần 1 thế kỉ. Ba chuyên gia nghiên cứu của IMF khẳng định:"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào về một ngưỡng nợ (công) đặc biệt mà vượt qua ngưỡng, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn bị tổn hại một cách đáng kể".

Một kết luận quan trọng khác cũng được đưa ra đó là: "Các quốc gia có nợ công cao nhưng sau đó giảm xuống cũng có tốc độ tăng trưởng tương tự như các quốc gia có nợ công thấp hơn".

Điều này là một phát hiện có ý nghĩa quan trọng với khu vực Eurozone khi trong quý III/2013, tỉ lệ nợ công của khu vực đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2007, xuống mức 92,7% GDP từ 93,4% trong quý trước đó.

Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra rằng mức nợ công cao khiến cho GDP bất ổn định hơn, chủ yếu do nguyên nhân đến từ áp lực của thị trường và các biện pháp thắt lưng buộc bụng được đưa ra nhằm cố gắng phục hồi nền tài chính công.

Nghiên cứu mới này một lần nữa cho thấy, những cuộc tranh luận về vấn đề nợ công và thắt lưng buộc bụng đang diễn ra căng thẳng.

Xem toàn bộ báo cáo mới của IMF tại địa chỉ: