Kêu gọi tăng cường viện trợ cho Hội nghị bổ sung lần thứ 5 của Quỹ Toàn cầu

PV.

Ngày 24/5, Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) – Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS đã tổ chức buổi gặp mặt với các Tổ chức xã hội dân sự tại Hà Nội. Mục đích nhằm trao đổi về vấn đề “kêu gọi các nước Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản tăng cường viện trợ cho Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét” trong Vòng tài trợ bổ sung thứ 5 diễn ra vào tháng 10/2016.

Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) là một tổ chức phi chính phủ chuyên về AIDS đứng đầu toàn cầu. Hiện, AHF đang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 595 nghìn bệnh nhân tại 35 Quốc gia trên thế giới. Với sứ mệnh “điều trị mang lại sự sống mà không quan tâm đến khả năng chi trả của người bệnh”, trong suốt thời gian qua, AHF đã tham gia vào nhiều sáng kiến vận động liên quan gián tiếp hay trực tiếp đến Quỹ Toàn cầu, trong đó bao gồm cải cách quản lý, tối ưu hóa và tái chương trình tài trợ và vận động bổ sung tài trợ.

Báo cáo của AHF cho biết, sự đầu tư cho Quỹ toàn cầu đã mang lại những kết quả ấn tượng. Hơn 470 triệu người đã được xét nghiệm HIV nhờ vào các chương trình hỗ trợ của Quỹ toàn cầu. Khoảng 8,6 triệu người đang được cứu sống bằng liệu pháp điều trị kháng virus và 16 triệu người đồng nhiễm lao/HIV đã được điều trị. Gần 3,3 triệu bà mẹ đã tiếp cận với điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và 560 triệu người mắc sốt rét đã được điều trị.

Không chỉ vậy, Quỹ Toàn cầu còn đóng vai trò thiết yếu đối với việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Quỹ Toàn cầu đang giải quyết thách thức này bằng mục tiêu cụ thể là giành 50-60% tổng nguồn tài trợ cho phụ nữ và trẻ em gái với mong muốn thu hẹp lại khoảng cách chênh lệch. Tính bền vững của phương pháp này cần được đảm bảo bằng mọi giá bởi vì nếu không giải quyết được các nhu cầu y tế của phụ nữ, sự ứng phó của AIDS trên toàn cầu sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Quỹ Toàn cầu đối mặt với thách thức sụt giảm nguồn tài trợ

Thật khó có thể đếm được con số chính xác những số phận mà Quỹ toàn cầu đã giúp thay đổi cuộc sống hàng ngàn trẻ em không bị rơi vào tình cảnh bị mồ côi vì bố mẹ mắc bệnh tật. Quỹ Toàn cầu đã cứu sống hàng chục triệu người và để làm được điều này thì phần lớn dựa vào sự cam kết đóng góp nguồn lực của các quốc gia giàu có.

Ưu việt là vậy nhưng trong xu hướng chung, Quỹ Toàn cầu cũng đang gặp phải không ít khó khăn và thách thức, bởi sự sụt giảm đáng kể về nguồn tài trợ từ các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã khiến cho Quỹ Toàn cầu không thể đạt được mục tiêu gây quỹ từ năm 2010. Qua những vòng bổ sung trước đây, nguồn tài trợ vẫn không thay đổi, đây là điều đáng lo ngại phản ánh xu hướng giảm tổng kinh phí tài trợ cho AIDS trên toàn cầu.

Được biết, năm 2010, Quỹ Toàn cầu đặt mục tiêu gây quỹ cao nhất là 20 tỷ USD – số tiền cho phép triển khai các chương trình có sẵn cũng như gây quỹ cho các chương trình mới và mục tiêu tối thiểu cần đạt được là 13 tỷ USD để giúp duy trì các chương trình đang hoạt động. Tuy nhiên, nguồn tài trợ Quỹ Toàn cầu nhận được chỉ đạt 12 tỷ USD; vào Hội nghị bổ sung cho 2014-2016, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã hạ mục tiêu xuống còn 15 tỷ USD và cũng chỉ đạt 12 tỷ USD. Để chuẩn bị cho vòng bổ sung sắp diễn ra vào tháng 10/2016 sắp tới, một lần nữa mục tiêu lại giảm xuống còn 13 tỷ USD.

Tình trạng giảm nguồn tài trợ cho Quỹ Toàn cầu là đáng báo động và theo thời gian nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những tiến bộ mà Quỹ Toàn cầu đã đạt được với sự đầu tư hàng tỷ USD trong suốt 14 năm qua. “Căn cứ vào tình hình đầu tư của Quỹ Toàn cầu trong đó kết hợp đánh giá nhu cầu từ UNAIDS, WHO, đối tác đẩy lùi sốt rét và đối tác phòng chống lao, phản ứng toàn cầu cho 3 bệnh dịch sẽ gặp phải khoảng cách tài trợ cho 3 bệnh dịch sẽ gặp phải khoảng cách tài trợ tích lũy lên đến 19,5 tỷ USD từ năm 2017-2019 cho dù đầu tư ước tính 87 tỷ USD cho 3 năm từ các nguồn vốn nội địa, Quỹ Toàn cầu và các nhà tài trợ khác. Để đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí dài hạn – thành quả của sự giảm tỷ lệ nhiễm và tử vong từ 3 bệnh dịch và duy trì được những thành tựu đã đạt được, yêu cầu cần thiết, đó là tăng cường nguồn tài trợ cho Quỹ Toàn cầu đến năm 2020”, Báo cáo của AHF cho hay.

Theo UNAIDS, nếu tình trạng thiếu hụt kinh phí tiếp tục diễn ra và dịch vụ điều trị HIV không được mở rộng vào năm 2020, nó có thể dẫn đến tình trạng 21 triệu trường hợp tử vong và có thêm 28 triệu người bị nhiễm HIV đến năm 2030. Nếu điều này xảy ra, thế giới sẽ phải trả thêm 24 tỷ USD hàng năm để điều trị ARV đến năm 2030. Cùng với những chi phí gián tiếp liên quan đến giảm năng suất và chăm sóc y tế dài hạn cho những bệnh nghiêm trọng, cái giá phải trả trung và dài hạn cho sự không hành động kịp thời là rất lớn!

Kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ cho Quỹ Toàn cầu

Nếu không có sự đẩy mạnh thực sự trong nguồn tài trợ đến năm 2020, thế giới sẽ đứng trước nguy cơ đánh mất những tiến bộ đã đạt được trong cuộc chiến AIDS cũng như lao và sốt rét. Quỹ Toàn cầu cần sự tăng đột biến trong nguồn hỗ trợ của các nhà tài trợ truyền thống để có thể đạt hay thậm chí vượt mục tiêu 13 tỷ USD cho Vòng tài trợ bổ sung thứ 5. Quan trọng hơn là để đảm bảo tính bền vững và thành công của Quỹ Toàn cầu, AHF kêu gọi Trung Quốc, Đức, Nhật đẩy mạnh hỗ trợ hơn nữa cho Quỹ Toàn cầu trong vòng tài trợ bổ sung thứ 5 sắp tới này.

5 nền kinh tế đứng đầu thế giới theo đánh giá dựa trên GDP danh nghĩa, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh đang có sự hỗ trợ cho Quỹ Toàn cầu một cách không đồng đều. Tính từ năm 2010, Mỹ đã tài trợ 6,9 tỷ USD cho Quỹ Toàn cầu, Anh đóng góp 2,3 tỷ USD, Đức đống góp 1,56 tỷ Usd, Nhật đóng góp 1,3 tỷ USD. Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới nhưng lại tài trợ ít hơn 50 lần so với Nhật Bản – nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới; Anh mặc dù có nền kinh tế nhỏ nhất trong số 5 quốc gia nhưng sự đóng góp của Anh cho Quỹ Toàn cầu lại cao gấp 1,5 lần so với Đức và 1,8 lần so với Nhật.

Như vậy, ở góc độ kinh tế vĩ mô, tất cả các nước đều mong muốn được hưởng lợi từ một xã hội giàu có. Tuy nhiên, đối mặt với trường hợp của Quỹ Toàn cầu, chi phí bỏ ra để đạt được lợi ích là không đồng đều giữa các nhà tài trợ. Nếu các nhà tài trợ do dự khi đưa ra cam két cho vòng tài trợ bổ sung lần thứ 5, khả năng tồn tại lâu dài của Quỹ Toàn cầu sẽ gặp rủi ro. Theo đó, sự mất niềm tin vào Quỹ sẽ dẫn đến sự tan vỡ hoàn toàn của cuộc chiến toàn cầu chống lại 3 bệnh dịch.

Về mặt đạo đức và kinh tế, thế giới không thể khoanh tay đứng nhìn. Nếu chúng ta không hành động và nguồn tài trợ tiếp tục bị chững lại, thế giới sẽ quay trở về những ngày đen tối nhất của dịch bệnh với tỷ lệ gia tăng đột biến số ca nhiễm mới và tử vong.

Sau hàng tỷ USD và bao nhiêu nỗ lực của con người được đầu tư để ngăn chặn sự lây lan của AIDS, lao và sốt rét, sự rút lui của Quỹ Toàn cầu vào thời điểm này có khả năng sẽ dẫn tới một thảm họa nhân đạo trong tương lai.

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét là một tổ chức gây quỹ đa dạng đứng đầu thế giới với mục tiêu chiến đấu với 3 dịch bệnh nguy hiểm xuyên quốc gia. Quỹ Toàn cầu được lập bởi các thành viên của nhóm G8 và các quốc gia hỗ trợ thành lập Quỹ vào đầu những năm 2000, bởi họ nhận thấy những bất lợi về nhân đạo, kinh tế và y tế công cộng sẽ khiến cho người dân ở những nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí cho điều trị AIDS, lao và sốt rét.