Khi công ty Mỹ từ bỏ quốc tịch

Theo Infonet

(Tài chính) Kể từ năm 1982 tới nay, đã có khoảng 41 công ty Mỹ chuyển đến các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn. 8 công ty khác có kế hoạch làm điều tương tự trong năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Pfizer vẫn là một công ty Mỹ kể từ khi nhà khoa học gốc Đức cùng tên mở phòng thí nghiệm ở Brooklyn năm 1849. Tuy nhiên, hãng dược này đang có kế hoạch trở thành một công ty Anh. Lý do đằng sau không hề liên quan đến chi phí sản xuất hay khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài mà là thuế.

Pfizer không phải là trường hợp duy nhất, ngày càng có nhiều công ty Mỹ muốn chuyển trụ sở ra khỏi nước Mỹ. Pfizer chỉ là công ty lớn nhất và được biết đến nhiều nhất gia nhập xu hướng này.

Kể từ năm 1982 tới nay, đã có khoảng 41 công ty Mỹ chuyển đến các quốc gia có mức thuế suất thấp hơn. Chỉ trong 2 năm gần đây, con số là 12 công ty. 8 công ty khác có kế hoạch làm điều tương tự trong năm 2015. Trong số này, các công ty dược chiếm tỷ trọng lớn nhất và Ireland là điểm đến được ưa chuộng. 

Khi công ty Mỹ từ bỏ quốc tịch (1)
Các công ty từ bỏ quốc tịch Mỹ trong 1 thập kỷ qua

Năm 2004, Mỹ đưa ra một đạo luật với tham vọng sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng này. Đồng thời Cục thuế liên bang (IRS) cũng đã nỗ lực trong suốt 2 thập kỷ. Tuy nhiên, xu hướng chuyển trụ sở ra nước ngoài để tránh thuế không những không giảm đi mà còn tăng lên. 

Ngày nay, hầu hết các công ty Mỹ trốn thuế bằng cách thâu tóm một công ty nước ngoài có quy mô tương đương ít nhất 25% quy mô của chính nó. Đó là cách mà AbbVie – công ty sản xuất thiết bị dược được nhà vật lý học người Chicago Wallace Abbott lập ra năm 1888 – sử dụng để trở thành công ty Anh. Medtronic – công ty được thành lập trong một gara ở Minneapolis năm 1949 – cũng mong muốn trở thành một công ty Ireland. 

Cũng không có gì khó hiểu khi các tập đoàn đa quốc gia muốn trốn chạy khỏi hệ thống thuế của nước Mỹ. Tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ là 35% - cao nhất trong các nước phát triển. Mỹ cũng nằm trong số ít quốc gia đánh thuế vào tổng thu nhập mà các tập đoàn kiếm được trên toàn thế giới, kể cả khi phần lớn lợi nhuận được tạo ra bởi một chi nhánh ở nước ngoài với mức thuế suất thấp. Nhiều quốc gia (trong đó có Anh và Canada) chỉ đánh thuế vào lợi nhuận thu được ở trong nước. Điều này dẫn đến kết quả là một công ty độc lập ở Mỹ sẽ phải nộp nhiều thuế hơn so với một công ty ở Mỹ nhưng có công ty mẹ ở nước ngoài. 

Bằng cách mua lại hoặc tạo ra một công ty mẹ ở nước ngoài, công ty Mỹ có thể trốn thuế mà chính phủ Mỹ đánh vào thu nhập toàn cầu. Cách này rất hữu ích đối với các công ty dược và công nghệ bởi phần lớn thu nhập của họ đến từ quyền sở hữu trí tuệ như các bằng sáng chế. Chuyển các bằng sáng chế này sang một chi nhánh ở nơi có thuế suất bằng 0 như Bermuda sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều tiền. 

Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không muốn tình trạng này tiếp diễn, nhưng họ không đồng tình với những giải pháp đã được đưa ra. Đảng Cộng hòa gọi đây là hệ quả tất yếu của một hệ thống thuế có nhiều lỗ hổng và giải pháp duy nhất là cải cách lại toàn bộ hệ thống thuế, trong đó có các biện pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và hạn chế thuế đánh vào thu nhập từ nước ngoài.

Mặc dù một số thành viên của đảng Dân chủ đồng tình với quan điểm của đảng Cộng hòa, vẫn còn quá nhiều điểm bất đồng giữa hai đảng và có nhiều khả năng dự luật thuế mới sẽ không được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay và hàng năm nước Mỹ thất thoát nhiều tỷ USD tiền thuế.