Lại thực phẩm bẩn xuất xứ từ Trung Quốc

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Vụ thực phẩm kém chất lượng của nhà cung cấp Trung Quốc vượt qua các khâu kiểm định để có mặt trong các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như McDonald’s và KFC khiến người tiêu dùng nước này và thế giới giật mình. Một lần nữa an toàn thực phẩm liên quan tới thực phẩm có xuất xứ Trung Quốc lại được đặt ra.

Lại thực phẩm bẩn xuất xứ từ Trung Quốc
Vụ thực phẩm kém chất lượng của nhà cung cấp Trung Quốc vượt qua các khâu kiểm định để có mặt trong các chuỗi nhà hàng nổi tiếng như McDonald’s và KFC khiến người tiêu dùng nước này và thế giới giật mình. Nguồn: internet
Trung tuần tháng 7 vừa qua, giới chức thành phố Thượng Hải đã đóng cửa Shanghai Husi Food, một công ty thuộc Tập đoàn cung cấp thực phẩm OSI có trụ sở ở Mỹ, vì đã bán thịt quá hạn sử dụng cho các nhà hàng lớn, trong đó có McDonald’s và KFC. Theo tờ “Shanghai Daily”, ngoài nhà hàng McDoland’s và KFC, những khách hàng khác của nhà máy này có Burger King, Papa John’s Pizza, chuỗi cửa hàng cà phê Starbuck và hãng Subway chuyên sản xuất bánh sandwich. Cảnh sát Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ việc trên và cảnh báo sẽ áp mức phạt nặng trong tương lai. Ngay sau đó, hãng McDonald’s đã ngay lập tức ngừng sử dụng các sản phẩm của nhà máy, tuy nhiên tuyên bố vẫn sẽ mua hàng từ các nhà máy của OSI ở tỉnh Hà Nam và Hà Bắc. Trong khi đó, Yum!Brands, công ty sở hữu KFC và Pizza Hut, khẳng định các cửa hàng của công ty ở Trung Quốc sẽ không mua hàng từ bất kỳ nhà máy nào của OSI ở nước này.

Báo cáo điều tra của Đài truyền hình Thượng Hải cho thấy công nhân của Shanghai Husi Food nhặt thức ăn từ dưới sàn nhà, xử lý thịt bằng tay không và thay đổi ngày tháng trên bao bì để làm cho thịt cũ trông có vẻ an toàn và tươi tốt, cố tình lừa dối các thanh tra viên kiểm tra chất lượng của McDonald’s. Các nhà chức trách Trung Quốc hiện đang mở rộng các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm. Tại tỉnh Chiết Giang, nhà chức trách đã tiến hành kiểm tra 1.800 công ty cung cấp thực phẩm. Ở Khu tự trị Nội Mông, hơn 700kg sản phẩm do Shanghai Husi Food cung cấp bị nghi ngờ sử dụng thịt quá hạn đã bị niêm phong.  

Sheldon Lavin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn OSI, thừa nhận việc sử dụng thịt quá hạn “là hoàn toàn không thể chấp nhận được” và là “sai lầm khủng khiếp”. Ông này khẳng định: “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái này và bảo đảm rằng việc này sẽ không bao giờ tái diễn”.

Thực tế, thực phẩm thiếu an toàn không còn là điều mới mẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Trung Quốc đã bị chấn động bởi một loạt vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm và sản phẩm do việc thiếu thực thi các quy định và tình trạng làm ăn gian dối của các nhà sản xuất. Vụ bê bối thực phẩm nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc xảy ra hồi năm 2008, khi các sản phẩm sữa bị phát hiện có nhiễm hóa chất công nghiệp melamine - nguyên nhân làm ít nhất 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 người bị bệnh.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ tuyên bố siết chặt kiểm soát các nhà cung cấp ở Trung Quốc sau khi hãng này buộc phải thu hồi các sản phẩm thịt lừa bị phát hiện có trộn lẫn thịt cáo.

Năm ngoái, sau 3 tháng truy quét, Trung Quốc đã bắt giam hàng trăm người vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó liên quan đến việc bán thịt chuột và cáo giả làm thịt bò và thịt cừu.

Kết quả khảo sát do Công ty nghiên cứu Bắc Kinh Horizon Research and Horizonkey thực hiện và công bố sau vụ bê bối thực phẩm nói trên cho thấy hầu hết người dân Trung Quốc không hài lòng về chất lượng an toàn thực phẩm ở nước này. 80% trong số 3.166 người được hỏi, trong độ tuổi từ 18 - 60 ở 20 thành phố của Trung Quốc, cho rằng chất lượng an toàn thực phẩm ở nước này rất đáng lo ngại và các công ty thực phẩm là “thủ phạm” chính trong các vụ mất an toàn thực phẩm. Khoảng 60% số người tham gia khảo sát cho rằng các công ty thực phẩm kém cỏi trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Tỷ lệ này cao hơn so với các nhóm khác như các hiệp hội ngành thực phẩm (50%), chính quyền (29%) và truyền thông (26%).

Trợ lý giám đốc Trung tâm Đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm quốc gia Trung Quốc Vương Châu Thiên cho rằng từ kết quả cuộc khảo sát trên, Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để buộc các công ty thực phẩm phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm mà họ cung cấp cho người tiêu dùng. Ông Vương cũng đề xuất cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các công ty sản xuất hoặc chế biến thực phẩm ôi thiu, đồng thời gia tăng sức ép để các đối tác kinh doanh ngừng hợp tác với các công ty này nhằm bảo đảm những công ty thực phẩm vô trách nhiệm sẽ không thể tồn tại trên thị trường.

Theo chuyên gia của nhóm Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc Ben Cavendar, vụ bê bối cho thấy vấn đề quan trọng mà Trung Quốc đã đối phó từ nhiều năm nay, đó là nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Người tiêu thụ có nhu cầu ngày càng nhiều và rất khó cho chính phủ và giới bán lẻ theo kịp sự tăng trưởng về nhu cầu trong khi bảo đảm rằng số cung vào đều ở chất lượng thích đáng.