Liên minh châu Âu cảnh báo Pháp, Tây Ban Nha, Italy về quản lý ngân sách

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong một tuyên bố mới đây, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Pháp, Tây Ban Nha và Italy cần vững tay chèo lái ngân sách năm 2014, khi nguy cơ không đạt được mục tiêu ngân sách vẫn đang đeo bám các nước này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông qua dự thảo ngân sách năm 2014 của 13 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không nằm trong diện nhận cứu trợ của khối. Nhóm nước nhận cứu trợ gồm Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp.

Cảnh báo trên được EU đưa ra trong bối cảnh Eurozone vừa thoát khỏi suy thoái và khủng hoảng nợ, nên sức phục hồi còn rất mong manh. Đặc biệt, căng thẳng xã hội đang leo thang tại các nước áp dụng các biện pháp khắc khổ để điều chỉnh lại tài chính công.

Hiệp ước Tăng trưởng và Bình ổn của EU yêu cầu các nước thành viên chỉ được phép thâm hụt ngân sách tối đa là 3% GDP, và hướng tới mức nợ không vượt quá 60% GDP. Một số nước Eurozone rơi vào cảnh khốn quẫn về tài chính và được cứu trợ, với điều kiện phải cải cách toàn diện để giảm thâm hụt công và tái cơ cấu nền kinh tế.

Tình hình tại Pháp khá căng thẳng, và đã xuất hiện một loạt báo cáo chỉ trích về triển vọng cải cách ở nước này. EC đánh giá những biện pháp được đề ra trong kế hoạch ngân sách năm 2014 của Chính phủ Pháp "chỉ vừa vặn đủ" để hướng tới thời hạn 2015 sẽ tuân thủ mức trần thâm hụt ngân sách của EU. Là nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, nhưng theo thống kê mới đây, GDP của Pháp quý 3 vừa qua đã rơi vào vùng âm.

Theo EC, Paris mới chỉ thực hiện được "những bước tiến hạn chế" trong năm 2013 khi giải quyết các vấn đề ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển Anders Borg cũng tỏ ý "thật sự lo ngại" về những diễn biến tại Pháp. Pháp được gia hạn thêm 2 năm (so với hạn trước đây) để đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách. Ngân sách của Pháp ước thâm hụt 3,9% GDP năm 2013, 3,6% GDP năm 2014 và 2,8% GDP năm 2015.

Ủy viên phụ trách vấn đề kinh tế của EU, Olli Rehn, cũng tỏ ý lo ngại về nguy cơ thâm hụt ngân sách công của Tây Ban Nha và tình hình nợ nần của Italy sẽ ngày càng tồi đi. Quan chức này đánh giá dự thảo kế hoạch chi tiêu năm 2014 của Tây Ban Nha có khả năng không đạt được mục tiêu, trong bối cảnh nước này đang vật lộn để đưa khu vực tài chính công về vùng chuẩn của EU.

EC đề nghị các chính quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng ngân sách năm 2014 được tuân thủ triệt để. Đã có dấu hiệu cho thấy EC có thể ra tay can thiệp nếu một quốc gia đi chệch hướng mục tiêu đã cam kết vì lợi ích chung của Eurozone.

Theo kế hoạch, vào ngày 22/11 tới, các Bộ trưởng Tài chính Eurozone sẽ lại nhóm họp ở Brussels, Bỉ để thảo luận về kết quả của quá trình giám sát ngân sách của EC, khi sức ép dường như đang gia tăng lên các nền kinh tế lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu.