Mối nguy từ nợ (P2)

Theo cafef.vn

(Tài chính) Thay vì nhìn vào số nợ, một số nhà kinh tế học khác lại nhìn vào số tiền cho vay. Đây là bài thứ hai trong chuỗi bài viết của Economist phân tích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính và những bài học được rút ra từ những gì đã diễn ra trong suốt 5 năm qua. Bài báo này sẽ tập trung phần tích vai trò của nợ và giải chấp (deleveraging) trong khủng hoảng. (Xem phần 1: Mối nguy từ nợ)

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thay vì nhìn vào số nợ, một số nhà kinh tế học khác lại nhìn vào số tiền cho vay. Họ cho rằng rắc rối sẽ xuất hiện nếu tăng trưởng tín dụng lớn hơn nhiều so với tăng trưởng GDP (như ở Mỹ trước khủng hoảng 2008, ở Nhật năm 1991 và ở châu Á trước khủng hoảng 1997). Theo Claudio Borio và các đồng nghiệp tại Ngân hàng Thanh toán quốc tế, các nền kinh tế có thể trì trệ trong thời gian dài. Trong khi chu kỳ kinh tế bao gồm các giai đoạn thu hẹp hoặc mở rộng của tăng trưởng và lạm phát, chu kỳ tài chính bao gồm những biến động dài hơn và rộng hơn của tín dụng và giá tài sản. 

Vai trò của tăng trưởng tín dụng

Tại sao thi thoảng tăng trưởng tín dụng lại đột ngột tăng hoặc giảm? Theo Richard Werner - giáo sư đến từ ĐH Southampton, có thể điều này phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu tiền được dùng để mua một chiếc xe mới, nó đã góp phần tăng cầu và giúp nền kinh tế tối đa hóa khả năng sản xuất. Nếu nền kinh tế đã hoạt động hết công suất, số tiền này sẽ chỉ làm giá cả gia tăng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay của ngân hàng làm tăng cả nợ và GDP danh nghĩa và do đó tỷ lệ nợ/GDP không thay đổi nhiều. 

Thế nhưng, tiền đi vay có thể được dùng cho nhiều hoạt động khác, trong đó có việc mua những tài sản đã tồn tại như nhà cũ hoặc mua lại công ty khác. Bởi vì những tài sản này đã tồn tại, hành vi mua không trực tiếp làm tăng GDP (vốn chỉ đo lường hàng hóa và dịch vụ mới). Do đó, nợ tăng lên mà GDP không tăng lên, dẫn đến tỷ lệ nợ/GDP tăng. 

Hơn nữa, việc mua tài sản (như mua một ngôi nhà) sẽ khiến giá của tài sản đó tăng lên. Các chủ nhà khác sẽ sẵn sàng chấp nhận nợ (bởi họ cảm thấy giàu có hơn). Giá nhà tăng đồng nghĩa tài sản thế chấp tăng lên và người ta càng có thể đi vay một cách dễ dàng hơn. Trong những năm trước khủng hoảng, tài sản ròng của các hộ gia đình Mỹ vẫn tiếp tục tăng bất chấp họ nợ ngày càng nhiều bởi nhà và các tài sản khác tăng giá rất mạnh. 

Cuối cùng, chu kỳ tài chính lên đến đỉnh điểm. Người đi vay nhận ra rằng họ không thể có thu nhập ngang bằng với số tiền đã đi vay và do đó khó có thể trả nợ. Tại điểm này, chu kỳ bị đảo ngược: giá tài sản lao dốc, các điều kiện về tài sản đảm bảo được thắt chặt, ngân hàng thắt chặt cho vay. Tiếp theo, giá tài sản giảm sâu hơn nữa. Thật không may, có một yếu tố không giảm: nợ. Tồi tệ hơn, giá trị của các khoản nợ không hề giảm như giá tài sản.

Các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ phản ứng bằng cách "giải chấp" (deleveraging), tìm mọi cách để giảm nhẹ gánh nặng nợ khổng lồ đang đè trên vai. Họ có thể làm việc này bằng ba cách: phá sản, bán tài sản hoặc chi tiêu ít hơn so với thu nhập (và dùng số tiền thừa ra để trả nợ). 

Mặc dù giải chấp giúp cải thiện tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp, biện pháp này chỉ khiến toàn bộ nền kinh tế tồi tệ hơn. Do tiêu dùng của người này là thu nhập của người kia, giảm chi tiêu cũng khiến thu nhập giảm. Richard Koo - chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Nomura - đã gọi hiện tượng này là "suy thoái bảng cân đối kế toán". Gánh nặng nợ càng khiến nền kinh tế mong manh hơn và chìm trong vòng luẩn quẩn không thể trả nợ - hiện tượng được nhà kinh tế học Irving Fisher gọi là giảm phát nợ (debt deflation).

Quá trình giải chấp của khu vực tài chính có thể diễn ra rất nhanh chóng nhưng với mức độ rất sâu. Sâu bởi vì các ngân hàng nắm giữ quá nhiều nợ so với nguồn vốn. Nhanh chóng bởi vì các nghĩa vụ nợ thường có thời hạn ngắn hơn so với tài sản, khiến các ngân hàng có rất ít thời gian để sắp xếp lại bảng cân đối kế toán. Quá trình này cũng làm tổn hại đến toàn bộ hệ thống và các khách hàng. Trong thời kỳ 2007 - 2008, khi các ngân hàng đầu tư bán tháo chứng khoán, cổ phiếu chịu áp lực giảm sâu, kéo theo danh mục đầu tư của các ngân hàng khác cũng sụt giảm nghiêm trọng. Ngân hàng cũng bắt đầu triệu hồi nợ hoặc chí ít là ngừng giải ngân các khoản vay mới. Cuối cùng, toàn bộ nền kinh tế phải chịu đựng tình trạng căng thẳng tín dụng. 

Các nước nên làm gì?

Có thể ngăn chặn được kịch bản này hay không? Theo lý thuyết, do các con nợ chi tiêu ít hơn, người tiết kiệm có thể chi tiêu nhiều hơn và do đó duy trì được tổng cầu của nền kinh tế. Để khuyến khích điều này, NHTW có thể cắt giảm lãi suất, giảm chi phí cho người đi vay và khuyến khích tiết kiệm. Lãi suất chính sách của Mỹ đã được giảm từ mức 5,25% của mùa hè năm 2007 xuống chỉ còn 0 - 0.25% từ tháng 12/2008. NHTW Anh cũng thực hiện động thái tương tự. 

Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể chi nhiều hơn so với số tiền thu được từ thuế. Được giảm thuế, khu vực tư nhân có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Trong một nghiên cứu khác, Sutherland và các đồng tác giả đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp (đặc biệt là công ty tài chính) càng vay nhiều thì nợ công càng tăng lên. Đây là điều xảy ra ở nhiều nước phát triển ở thời kỳ hậu khủng hoảng, khi chi tiêu chính phủ khổng lồ giúp bù đắp những khoản cắt giảm chi tiêu của các hộ gia đình và công ty, làm rộ lên cuộc tranh luận về những rủi ro mà tình trạng này gây nên.