Mỹ: Bỏ quốc tịch để né thuế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Số lượng các công dân Mỹ chuyển quốc tịch ngày càng tăng, nhằm tránh những hệ lụy từ thuế khóa.

 Mỹ: Bỏ quốc tịch để né thuế
Số lượng các công dân Mỹ chuyển quốc tịch ngày càng tăng. Nguồn: internet
Theo số liệu của Tổng cục Thuế Mỹ (IRS), chỉ trong quý II/2013 đã có 1130 người đệ đơn xin từ bỏ quốc tịch Mỹ. Đây là con số kỷ lục so với  nhiều năm gần đây. Lý do của việc từ bỏ quốc tịch là bởi những đòi hỏi gắt gao trong việc trình báo các thông tin có liên quan đến tài khoản cá nhân tại ngân hàng cũng như các chi phí khác có dính líu tới gốc gác là quốc tịch Mỹ.

Trong quý I năm nay, số lượng công dân Mỹ tuyên bố từ bỏ quốc tịch đạt con số kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây - 679 người. Sang quý II, con số này đã lớn gần gấp đôi so với quý I. Năm 1997, khi đó mặc dù lớn hơn hẳn cả thời kỳ trước và sau đó nhiều năm cũng chỉ có 1208 người. Hồi quý II/2009, số người từ bỏ quốc tịch Mỹ tụt thấp xuống mức kỷ lục trong lịch sử- chỉ có 15 người.

Mỹ là nước duy nhất trong số 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) vẫn đánh thuế công dân của nước mình, dù người đó không sinh sống và làm việc tại Mỹ. Luật Thuế Liên bang năm 2010 quy định, các doanh nghiệp nước ngoài có sử dụng người lao động là công dân Mỹ, vẫn phải có trách nhiệm thông báo cho IRS về tình trạng tài khoản của những người này tại ngân hàng. Nếu cố tình trốn tránh, mức phạt sẽ bằng 50% số tiền có trong các tài khoản của cá nhân đó.
 Mỹ: Bỏ quốc tịch để né thuế - Ảnh 1

Trào lưu từ bỏ quốc tịch Mỹ để né tránh các quy định về thuế khóa bắt đầu xuất hiện và bùng phát trong vòng 2 năm trở lại đây. Điển hình là Eduardo Saverin - người đồng sáng lập Facebook. Để tránh bị đánh thuế từ sự gia tăng tài sản, Saverin đã xin nhập quốc tịch Singapore.

Thật khó mà kỳ vọng là sẽ có những chính sách làm mềm hóa các quy định về thuế tại Mỹ, bởi đây chính là một trong những nguồn của thu ngân sách. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây ngân sách quốc gia đã thu được 8,7 tỷ USD tiền thuế từ khoảng 6 triệu công dân Mỹ đang làm việc ở ngoài lãnh thổ nước mình.

Theo những quy định của Luật Thuế mới ban hành, đối với những người Mỹ giàu có đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chỉ tính riêng việc làm báo cáo thuế hàng năm đã phải chi tối thiểu không dưới 2000 USD. 

Trường hợp của cụ bà Carol Tapani là một ví dụ. Bày tỏ với The Wall Street Journal, bà cho biết: dời Mỹ sang Canada sinh sống đã hơn 40 năm, nhưng mãi tới tháng 11 năm ngoái bà mới viết đơn từ bỏ quốc tịch Mỹ. Năm 2012 bà nộp đã nộp 250 USD tiền thuế. Tuy nhiên chỉ tính riêng 2 năm gần đây, bà đã phải chi 40000 USD cho các dịch vụ về kế toán nhằm tuân thủ các quy định pháp lý về thuế.