Mỹ thắt chặt các tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vừa đưa ra đề xuất hạ tiêu chuẩn hiện hành về nồng độ ô nhiễm ozone trong không khí từ mức 75 phần tỷ xuống khoảng 65 đến 70 phần tỷ trong nỗ lực cải thiện hơn nữa bầu không khí tại quốc gia này.

Mỹ đang quyết tâm cải thiện hơn nữa chất lượng bầu không khí. Nguồn: internet
Mỹ đang quyết tâm cải thiện hơn nữa chất lượng bầu không khí. Nguồn: internet

Khoa học mở đường cải thiện môi trường sống

Trong 44 năm qua, EPA đã bênh vực quyền được hít thở không khí trong lành của người dân Mỹ bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia về các chất ô nhiễm không khí phổ biến. Tại Mỹ, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thành công một phần nhờ vào những tiến bộ mới nhất của khoa học.

Đó là lý do tại sao Đạo luật không khí sạch yêu cầu EPA cứ 5 năm lại phải cập nhật các tiêu chuẩn chất lượng không khí một lần, để đảm bảo tiêu chuẩn "bảo vệ sức khỏe cộng đồng với một biên độ đủ an toàn" dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất.

Sau các căn cứ khoa học và pháp luật, EPA lại đưa ra đề xuất cập nhật các tiêu chuẩn ô nhiễm ozone quốc gia để đảm bảo nước Mỹ có được nguồn không khí sạch; cải thiện tiếp cận với thông tin quan trọng về chất lượng không khí; bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất là trẻ em, người cao tuổi và những người đã mắc các bệnh về phổi như hen suyễn.

Đề xuất mới mà EPA vừa đưa ra là cần hạ tiêu chuẩn hiện hành về nồng độ ô nhiễm ozone trong không khí từ mức 75 phần tỷ xuống khoảng 65-70 phần tỷ. Theo EPA, việc đưa tiêu chuẩn ô nhiễm ozone xuống mức trên là phù hợp với các căn cứ khoa học mới nhất và đây không chỉ là một yêu cầu mang tính pháp lý mà nó còn thể hiện quyền của người dân Mỹ phải được như vậy.

Ô nhiễm ozone ở tầng thấp sản sinh từ các hoạt động công nghiệp, xe cơ giới, nhà máy điện, và các hoạt động khác. Hít vào ozone sẽ gây kích thích tới mũi, cổ họng và phổi. Hàng ngàn nghiên cứu khoa học từ nhiều tổ chức đã chứng minh, cắt giảm được ô nhiễm không khí về các mức tiêu chuẩn sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, phổi bị tổn thương vĩnh viễn, nguy cơ tử vong sớm...

Xét về các thiệt hại kinh tế, ô nhiễm có thể khiến nhiều người ốm không thể làm việc, hay phải chăm sóc cho con cái bị đau bệnh… Do đó, không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khỏe mà ô nhiễm còn làm chúng ta tốn thời gian, công sức và tiền bạc để đối chọi với nó. Ảnh hưởng của ô nhiễm tầng ozone tới sức khỏe gia đình có lẽ ai cũng cảm nhận được, làm chúng ta tốn kém về mặt tài chính, mà xét trên diện rộng gây tổn  hại cho cả nền kinh tế.

Tăng trưởng vẫn có thể song hành với môi trường tốt

Tin tốt là nếu các tiêu chuẩn đề xuất trên được triển khai triệt để thì với mỗi một USD đầu tư ra để thực hiện được mục tiêu trên sẽ đem lại 3 USD cho lợi ích sức khỏe. Đối với trẻ em, điều đó có nghĩa sẽ giúp khoảng 1 triệu em không phải nghỉ học vì ốm; tránh được hàng nghìn trường hợp viêm phế quản cấp tính và gần 1 triệu cuộc tấn công của bệnh hen suyễn.

Với người lớn, môi trường cải thiện giúp tránh được hàng trăm trường hợp phải đưa đến phòng cấp cứu của các bệnh viện vì các lý do liên quan đến tim mạch, phổi mỗi ngày; tránh được phải nghỉ làm việc hay phải đối phó với các triệu chứng liên quan đến ô nhiễm với tổng số ngày lên tới con số hàng triệu.

Đấy là lợi ích ai cũng nhìn thấy nhưng cũng không phải ai cũng muốn nỗ lực để thực hiện. Tại Mỹ, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc theo đuổi và cố gắng đạt được các tiêu chuẩn về chống ô nhiễm môi trường như vậy có thể làm khó cho công việc của các DN và ảnh hưởng đến tạo việc làm của các địa phương. Thực tế theo EPA, một cộng đồng được sống trong môi trường tốt, khỏe mạnh hơn sẽ thu hút các doanh nghiệp mới, đầu tư mới và việc làm mới.

Đơn cử, vào những năm 1970, nhiều nhà phê bình cho rằng đề xuất các giải pháp để loại bỏ chì độc hại từ xăng của EPA sẽ chặn đà phát triển của ngành sản xuất ô tô. Nhưng thực tế, các nhà sản xuất ô tô vẫn phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, nồng độ chì trong máu ở trẻ em, vốn rất tồi tệ trước đó, đã giảm mạnh gần 90% kể từ năm 1976. Và ngày nay, số lượng xe lăn bánh ra khỏi các dây chuyền lắp ráp của Mỹ đạt mức cao nhất trong 12 năm.

Hay khi EPA sửa đổi các tiêu chuẩn ozone vào năm 1997, các nhà phê phán cho rằng, việc quy định chất lượng không khí mới sẽ tác động xấu đến tạo công việc mới, làm tăng chi phí kinh doanh của DN, làm thay đổi lối sống mà chẳng có tác dụng nhiều đến vấn đề cải thiện sức khỏe.

Nhưng thực tế, những điều đó không xảy ra. Việc làm vẫn tạo ra tốt; các DN vẫn sống khỏe trong khi môi trường được cải thiện nhiều. “Nói một cách đơn giản là, Mỹ không bao giờ phải lựa chọn giữa một nền kinh tế mạnh hay một môi trường tốt. Chúng ta hoàn toàn cùng lúc có thể thực hiện cả hai mục tiêu trên” – bà Gina McCarthy, Giám đốc EPA chia sẻ.

Thời gian trôi đi và khi khoa học đã và đang chỉ ra các nguy cơ mới từ ô nhiễm môi trường tới sức khỏe thì việc tăng cường hơn nữa các tiêu chuẩn môi trường là rất cần thiết. “Hơn bốn thập kỷ qua, chúng tôi giúp đã cắt giảm ô nhiễm không khí gần 70%, trong khi nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp ba lần quy mô mà bầu trời thì vẫn vậy. Hành động ngày hôm nay chỉ là dựa trên những gì đã được quá khứ chứng minh” – bà Gina McCarthy nói về sự cần thiết trong những đề xuất mới của EPA.