Nga cân nhắc kiểm soát dòng vốn để ngăn dòng tiền bốc hơi

Theo gafin.vn

(Tài chính) Việc trở lại kiểm soát dòng vốn sẽ khiến Nga thụt lùi 1 thế kỷ, làm giảm triển vọng đưa Matxcơva trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ngân hàng trung ương Nga đang cân nhắc triển khai các biện pháp kiểm soát dòng vốn tạm thời nếu lượng tiền bốc hơi khỏi Nga tiếp tục tăng mạnh, Bloomberg ngày 30/9 dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Tuy nhiên, hai quan chức tham gia thảo luận về vấn đề này không nêu cụ thể thời gian cũng như hạn mức được xác định là cần thiết buộc ngân hàng trung ương Nga phải can thiệp. Hai quan chức cho biết, giới chức Nga vẫn đang thảo luận về các tình huống có thể xảy ra.

Những biện pháp này chỉ mang tính chất phòng vệ và chỉ sử dụng nếu dòng tiền chảy khỏi Nga tăng mạnh.

Việc trở lại kiểm soát dòng vốn sẽ khiến Nga thụt lùi 1 thế kỷ, làm giảm triển vọng đưa Matxcơva trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Trước 2004, mọi giao dịch tiền tệ ở Nga đều thông qua tài khoản đặc biệt ở ngân hàng trung ương. Các hạn chế về dòng vốn chỉ được dỡ bỏ vào năm 2006. Nga sẽ phải quay lại áp dụng phương thức tài khoản đặc biệt, nếu quyết định kiểm soát dòng vốn vào năm sau. Khi đó, mọi giao dịch bằng ngoại tệ sẽ phải thông qua một số ngân hàng quốc doanh.

Động thái trên của Nga là dấu hiệu mới nhất cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đang ảnh hưởng xấu đến Nga, buộc ngân hàng trung ương nước này phải xét lại chính sách điều hành.

Đồng ruble tiếp tục mất giá kỷ lục sau khi Bộ Kinh tế Nga tuần trước nâng ước tính dòng tiền rút khỏi Nga năm nay có thể lên 100 tỷ USD, tăng 64% so với năm ngoái. Con số này chỉ có thể giảm về 50 tỷ USD vào năm sau nếu tình hình địa chính trị ổn định, chi phí lãi vay ít biến động.

Chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho rằng, nếu các hạn chế thương mại kéo dài, gánh nặng thuế tăng, dòng vốn bốc hơi sẽ tăng. Theo ông, nếu điều đó xảy ra, cơ quan điều hành buộc phải chuyển trọng tâm sáng đảm bảo ổn định tài chính thay vì kiểm soát lạm phát và phải sử dụng đến những biện pháp phi chuẩn.

Kể từ đầu năm, Nga đã bán khoảng 40 tỷ USD ngoại tệ để cứu đồng ruble và ngăn bốc hơi nguồn vốn sau khi Nga cho sáp nhập Crimea hồi tháng 3. Đến tháng 8, ngân hàng trung ương Nga tiếp tục tăng biên độ giao dịch của ruble và tuyên bố sẽ can thiệp thị trường khi ruble vượt 44,4 ruble/USD. Hiện ruble giao dịch ở 44,4457 ruble/USD.