Ngân hàng trung ương Nhật giữ nguyên chính sách tiền tệ

Theo thoibaonganhang.vn

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm nay (20/7) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, nhưng lại đẩy lui thời gian đạt được mục tiêu lạm phát. Điều đó càng củng cố thêm kỳ vọng BOJ sẽ tụt lại xa hơn so với các Ngân hàng trung ương khác trong việc rút lui các chương trình kích thích.

Ngân hàng trung ương Nhật giữ nguyên chính sách tiền tệ. Nguồn: Internet
Ngân hàng trung ương Nhật giữ nguyên chính sách tiền tệ. Nguồn: Internet

Sức mạnh của xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân cho thấy sự hồi phục của kinh tế Nhật là khá ổn định mặc dù tốc độ còn khiêm tốn. Điều đó đã khiến BOJ nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật và có một cái nhìn lạc quan hơn so với tháng trước về nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Cụ thể, BOJ đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm tài chính hiện tại lên 1,8% so với mức dự báo 1,6% đưa ra 3 tháng trước; dự báo tăng trưởng cho năm tài chính tiếp theo cũng được nâng lên 1,4% từ mức 1,3%.

Nhưng sự tăng trưởng yếu ớt của giá cả buộc BOJ phải cắt giảm dự báo lạm phát, nhấn mạnh những thách thức mà cơ quan quản lý tiền tệ của Nhật đang phải đối mặt khi nó cố gắng “nâng cấp” nền kinh tế và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

“Tốc độ tăng giá gần đây là tương đối yếu vì các công ty vẫn thận trọng trong việc tăng lương và giá”, BOJ cho biết trong báo cáo hàng quý dự báo về tăng trưởng dài hạn và lạm phát. Theo đó, BOJ đã cắt giảm dự báo lạm phát của người tiêu dùng cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018 và cả năm tài chính tiếp theo, xuống còn 1,1% từ 1,4% và 1,5% từ 1,7%.

Từ đó, BOJ một lần nữa đẩy lui thời điểm đạt được mục tiêu lạm phát đầy tham vọng của mình thêm 1 năm nữa. Theo dự kiến hiện nay, lạm phát sẽ không đạt đến mức mục tiêu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2020. Đây là lần thứ 6 BOJ phải lui lại thời gian đạt được mục tiêu lạm phát kể từ khi Kuroda bắt đầu triển khai chương trình mua tài sản khổng lồ vào năm 2013.

Được biết, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,0% trong quý đầu tiên nhờ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và sự gia tăng trong tiêu dùng cá nhân. Dữ liệu được công bố vào đầu ngày cho thấy xuất khẩu của Nhật tăng tháng thứ 7 liên tiếp trong tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng lõi chỉ tăng 0,4% trong tháng 5 so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ.

Trước thực tế đó, BOJ vẫn giữ nguyên chính sách của mình đúng như dự kiến của thị trường. Theo đó, BOJ tiếp tục giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm khoảng 0%.

BOJ cũng giữ nguyên hướng dẫn chính sách là sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với tốc độ hàng năm là 80 nghìn tỷ yên (714 tỷ USD).

Theo dự báo của các nhà phân tích, tại cuộc họp báo diễn ra vào lúc 06h30 GMT, Thống đóc BOJ Kuroda có thể nhắc lại quan điểm của BOJ là sẽ duy trì chính sách siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát vượt quá mục tiêu.

Điều đó càng khiến BOJ tụt lại phía sau so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khi cơ quan này đã nhiều lần tăng lãi suất và dự kiến sẽ công bố kế hoạch chi tiết việc bắt đầu thu hẹp bảng cân đối hơn 4 nghìn tỷ USD vào tháng 9 tới.

Trong khi, theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng được dự kiến sẽ công bố kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản trong vài tháng tới khi tăng trưởng ở châu lục này đang phục hồi.