Pháp lại bị hạ bậc tín nhiệm do gánh nặng nợ công

Theo vietnamplus.vn

Sau Standard & Poor’s và Moody’s, đến lượt cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 12/7 hạ bậc tín nhiệm của Pháp từ mức AAA xuống còn AA+, với lý do gánh nặng nợ công ngày càng nặng trĩu, triển vọng tăng trưởng yếu kém và thất nghiệp gia tăng.

Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch. Nguồn: internet
Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Fitch. Nguồn: internet
Fitch cho rằng hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế Pháp thấp hơn nhiều so với dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm qua, tới 10,9% trong tháng 5/2013, và nợ công sẽ tăng lên 96% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tới.

Bên cạnh đó, mức tiêu thụ nội địa yếu kém, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp có chiều hướng giảm sút… Hơn nữa, chính sách tài khóa của Pháp đang phải chịu sức ép nặng nề từ triển vọng tăng trưởng không vững chắc trong nước và cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo Fitch, các dự báo tăng trưởng của Chính phủ Pháp đưa ra quá lạc quan. Trong khi Paris (Pa-ri) dự báo GDP tăng 0,1% trong năm nay thì Fitch cho rằng kinh tế của Pháp trong năm 2013 chẳng những không tăng trưởng mà còn suy giảm tới 0,3%, ngân sách sẽ bị thâm hụt trên 3% GDP và đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Francois Hollande vào năm 2017, thâm hụt ngân sách sẽ được giảm xuống còn 1% GDP. Tuy nhiên, Fitch vẫn đánh giá nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu này có triển vọng ổn định.

 Theo giải thích của Fitch, thứ nhất, các nền tảng kinh tế của Pháp vẫn được coi là “ổn định”. Thứ hai, Pháp là một những quốc gia có nền tảng tài chính chắc chắn nhất trong Eurozone. Pháp hiện đi vay với lãi suất thấp gần như kỷ lục. Giữa lúc các tin đồn rộ lên về khả năng Paris bị hạ điểm tín nhiệm, thì lãi suất tín dụng dài hạn 10 năm mà các nhà đầu tư quốc tế cho Paris vay vẫn giảm xuống chỉ còn 2,193%.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, chính phủ của Tổng thống Hollande đã tăng thuế và thực hiện các mục tiêu cải cách, đã đề ra như cắt giảm chi tiêu để giảm núi nợ công, song những biện pháp này chưa phát huy tác dụng do "bão" nợ công vẫn tiếp tục hoành hành ở "lục địa già".