Tại sao Nhật Bản nhanh chóng bị "quật ngã" bởi đợt tăng thuế lên 8%?

Theo gafin.vn

(Tài chính) Điều gì khiến Nhật Bản gục ngã trước đợt tăng thuế lên 8% trong khi khu vực đồng euro vẫn có thể chịu được mức thuế 20%?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có lẽ đã nhận ra nguyên nhân chính là sự vội vàng trong kế hoạch tăng thuế của Abenomics.

Cùng với Abenomics, chính quyền của ông Abe vốn tham vọng có thể tăng thuế lên gấp đôi (từ 5% lên 10%) chỉ trong 1 năm rưỡi. Tuy nhiên, mới đi được nửa chặng đường thì Abenomics lại "vô tình" đẩy Nhật Bản xuống vực suy thoái lần thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2008. Điều này chứng tỏ, chính phủ Nhật Bản đã "quá tay" (tăng thuế quá cao và quá sớm) khi tăng thuế thêm 3 điểm % - tương đương với 60% mức thuế ban đầu (5%).

Chuyên gia kinh tế Julian Jessop tại Capital Economics nhận định, 3 điểm % đối với Nhật Bản là rất lớn bởi người dân nước này trước giờ vẫn quen với mức thuế tiêu thụ thấp.

Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ông Abe buộc phải tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế từ 8% lên 10% (dự kiến thực hiện trong tháng 10/2015) trong 18 tháng. Điều này đồng nghĩa rằng, thuế tiêu thụ tại Nhật Bản sẽ duy trì ở 8% cho đến tận năm 2017.

Trên thực tế trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chưa từng có nước nào dám đưa ra kế hoạch tăng thuế tiêu thụ dồn dập như Nhật Bản. Thậm chí cả những nước ngoài khối cũng không dám nghĩ đến việc này.

Tây Ban Nha là một ví dụ. Nước này đã thực hiện kế hoạch tăng thuế tiêu thụ từ 16% lên 21% theo 2 đợt kéo dài trong 3 năm. Tương tự với mức tăng 2 điểm % (từ 20% lên 22%) nhưng Italy cũng đã thận trọng chia thành 2 đợt tăng thuế từ năm 2011 đến nay.

Một ví dụ khác là đợt tăng thuế năm 2011 của Vương quốc Anh. Vì không chia thành các đợt tăng nhỏ nên chính phủ nước này chỉ thông qua tăng thuế thêm 2,5 điểm % - tương đương 14% mức thuế ban đầu. Trước đó, Vương quốc Anh từng rơi vào suy thoái khi quyết định tăng thuế giá trị gia tăng "một phát" lên 15% từ 8%.  

Đây là lý do giúp các nước châu Âu thoát khỏi nguy cơ suy thoái mặc dù thuế tiêu thụ đang cao hơn nhiều so với Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe có lẽ giờ đã hiểu cảm giác của cựu Thủ tướng Nhật Bản Ryutaro Hashimoto khi quyết định tăng thuế từ 3% lên 5% trong năm 1997, khiến toàn bộ nền kinh tế suy sụp và phải trả giá bằng chính chức vụ của mình.

Hôm qua 18/11, ông Abe kêu gọi bầu cử sớm nhằm tìm kiếm thêm sự đồng thuận về chính sách Abenomics. Ông Abe cũng tuyên bố sẽ từ chức nếu đảng liên minh cầm quyền của ông không được phần đông ủng hộ.